BÍ QUYẾT TẠO ĐỘNG LỰC HÀNH ĐỘNG
Động lực được xem như niềm hy vọng hay sức mạnh giúp khởi đầu một hành động với một nỗ lực tạo ra một kết quả cụ thể nào đó.
Động lực là động cơ thúc đẩy tất cả các hành động của con người, là sự thôi thúc từ bên trong mỗi cá nhân, khiến người đó phải hành động, chẳng hạn như bản năng, niềm đam mê, thói quen, khát vọng, sợ hãi hay lý tưởng. Động lực được xem như niềm hy vọng hay sức mạnh giúp khởi đầu một hành động với một nỗ lực tạo ra một kết quả cụ thể nào đó.
Động lực có vai trò quan trọng trọng vì nó có sức ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống con người. Một người thường được thôi thúc bởi hai loại động lực: động lực “hướng đến phần thưởng” (positive motivation) và động lực “sợ mất” (negative motivation)
Động lực “hướng đến phần thưởng” là động lực khi một người được thúc đẩy hành động khi được hứa hẹn một điều gì đó tốt đẹp. Họ luôn hy vọng vào những phần thưởng sẽ có khi hành động.
Một ví dụ quen thuộc mà các ông bố bà mẹ hay sử dụng là “Nếu con học giỏi và đạt điểm cao trong học kỳ này, bố sẽ mua cho con bộ đồ chơi mới”. Hay một người có thể được thôi thúc bỏ thuốc lá vì anh ta tin rằng sức khỏe của mình sẽ tốt hơn và tuổi thọ kéo dài hơn. Ví dụ khác là một nhân viên nỗ lực làm việc chăm chỉ khi được sếp hứa hẹn “Nếu anh doanh thu bán hàng của anh tăng 10% so với năm trước, anh sẽ được lên vị trí trưởng phòng kinh doanh”
Động lực “sợ mất” là động lực mà một người cố gắng để không bị thất bại hay trừng phạt, hay để không mất một thứ gì đó. Chẳng hạn, cũng với ví dụ đầu tiên, bố mẹ có thể răn đe đứa trẻ “Nếu con không chịu học bài, con sẽ không được đi chơi với gia đình vào cuối tuần”. Người đàn ông bỏ thuốc lá vì sợ rằng sẽ không được nhìn thấy cô con gái yêu mặc váy cưới trong ngày trọng đại. Nhân viên cần mẫn làm việc vì anh lo mình sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và sợ không đủ đáp ứng đời sống kinh tế cho gia đình.
Mỗi hành động của con người đều liên quan đến động lực hướng đến phần thưởng hoặc sợ mất mát thứ gì đó, hay có thể kết hợp cả hai. Khi chúng ta tạo động lực cho người khác hay tạo cảm hứng cho bản thân, hãy đưa ra những phần thưởng khích lệ hoặc những viễn cảnh “mất mát” phù hợp với sở thích của từng người. Chẳng hạn như, một đứa trẻ thích đi du lịch và sợ bị mất đồ chơi thì cha mẹ có thể dùng làm phần thưởng hoặc răn dạy để trẻ có động lực học chăm hơn.
Khi nào nên sử dụng động lực tiêu cực
Cả hai loại động lực có thể dẫn đến cùng một kết quả. Tuy nhiên về lâu dài, việc lạm dụng động lực “sợ mất” có thể dẫn đến các vấn đề tiêu cực.
Động lực “sợ mất” chỉ hiệu quả khi người ta biết cách thoát khỏi tình trạng tiêu cực đó. Ví dụ như một ông bố không được “đe dọa” đứa con phải đạt kết quả học tập cao nếu không chắc là đứa con có những cuốn sách hay hướng dẫn cách học tập hiệu quả. Nếu đứa con của ông không biết cách học tập tốt thì dù nó cố gắng nhưng vẫn không cải thiện kết quả,nó sẽ chán nản và thất vọng. Thế là “sự đe dọa” của ông bố không chỉ dần mất tác dụng mà còn trở nên áp lực cho đứa con.
Một ví dụ khác là sếp la mắng nhân viên khi họ làm việc không có năng suất mà bản thân cũng không biết cách làm thế nào để cải thiện và nâng cao năng suất làm việc. Nếu nhân viên không biết cách làm thế nào để không bị “trừng phạt” thì động lực “sợ mất” sẽ không phát huy tác dụng.
Điều này giải thích lý do tại sao một số người khi đối mặt với cùng một vấn đề, người được hướng hành động bởi động lực “sợ mất” sẽ dễ trở nên chán nản hơn. Bởi họ có xu hướng tập trung vào những hình phạt hay mất mát. trong khi những người khác không bao giờ căng thẳng khi đối mặt với cùng một vấn đề.
Vì thế, khi sử dụng loại động lực “sợ mất” này, bạn nên đề ra các phương án giải quyết vấn đề để khuyến khích hành động ở người khác.
Vận dụng và Kết hợp hai loại động lực
Trong thực tế, bạn có thể linh động sử dụng cả hai loại động lực này cùng một lúc! Và hiệu quả sẽ phát huy tối đa nếu bạn sử dụng động lực phù hợp với mỗi người. Một cách nhận biết nhanh chóng là nghe ngôn ngữ của họ sử dụng. Khi bạn đặt câu hỏi “vì sao” cho những quyết định ở người khác, nếu họ thường trả lời: “Tôi làm như vậy để có….” , động lực của họ là “phần thưởng”. Ngược lại, nếu ngôn ngữ của họ hướng tiêu cực một chút, chẳng hạn như “Tôi làm để không bị mất….”, hay “tôi sợ là …..”, họ thuộc tuýp còn lại
Mỗi người đều có những giá trị khác nhau, vì thế phần thưởng “đi du lịch”, “mua đồ đẹp”… có thể quan trọng với người này nhưng lại không có ý nghĩa với người khác. Do đó, khi biết được tuýp động lực của một người, bạn cũng cần biết những gì quan trọng với người đó để đưa ra lời khích lệ hiệu quả.
Kết hợp động lực “hướng đến phần thưởng” và động lực “sợ mất” bất cứ khi nào có thể. Bởi khi đó “một mũi tên bắn trúng hai đích”, người ta biết họ được gì và mất gì nếu thực hiện hay không thực hiện. Bằng cách kết hợp động lực cả “hướng đến phần thưởng” và động lực “sợ mất” , bạn có thể để thúc đẩy người khác hành động nhiệt tình hơn. Một bạn trẻ cảm thấy có động lực cần phải trang bị đầy đủ các kỹ năng sống như một cách trang bị vũ khí mới để không bị thụt lùi trước một cuộc chơi lớn của thời đại, cũng như để tạo dựng được thành công và sở hữu một cuộc sống xứng đáng hơn.
Xem thêm bài viết Những Niềm Tin Dẫn Bạn Tới Thành Công Và Thất Bại