Đây là một triết lý khá thú vị, nó bắt nguồn từ thói quen ăn thực phẩm tươi sống của người Nhật Bản. Ai cũng biết người Nhật vốn thích ăn cá với những món sushi, sashimi … Họ ăn cá sành nhất thế giới.
Các vùng biển gần bờ của Nhật vốn đã bị khai thác lâu đời và kiệt quệ, nên những người ngư dân phải đóng tàu lớn, đánh bắt xa bờ. Đi xa thì ngày rời đất liền càng dài và cá khó mà tươi, mà người Nhật thì một mực muốn ăn cá quẫy đuôi vừa vớt từ lòng biển.
Người ta bèn đưa các thùng đá lớn lên tàu để bảo quản cá. Nhưng cái miệng người Nhật quá sành, họ vẫn ghét cá đông lạnh. Người đánh cá tiếp tục bỏ những con cá mới vớt vào thùng cá (ship tank) cho chúng tiếp tục bơi. Nhưng trong thùng cá ngục tù, cá chán chẳng buồn bơi, lờ đờ sống như chết, vị cũng kém ngon và những cái lưỡi của người Nhật tiếp tục khước từ.
Và, những người đánh cá không từ nan, quyết định bỏ cá mập vào những thùng cá. Một con cá mập có thể nuốt mất vài con cá trong thùng, nhưng những con cá khác sẽ phải rượt đuổi và bơi miệt mài trong suốt thời gian trên tàu. Thế nên, vị vẫn rất tươi ngon và người Nhật lại hào hứng với sushi, sashimi…
Cá mập thì quá ác, nuốt cả đồng loại. Nhưng nếu không có cá mập, liệu cá nhỏ có thực sự sống cho ra sống, hay mãi là thứ cá ươn trong những chiếc thùng công nghiệp rồi trở thành món hàng kém chất lượng?
Tất nhiên, câu chuyện này nhằm vào việc ngợi ca tinh thần vượt khó của người Nhật, khó cỡ nào cũng tìm được lối ra. Nhưng một thông điệp khác, trong cuộc sống, khi bạn có một thành quả nào đó, bạn dừng lại hoặc tự mãn, nghĩa là bạn sẽ tự đánh rớt mình khỏi mọi đường đua. Những “chú cá mập” gieo vào ta một chút sợ hãi của kẻ bị săn đuổi và bị “nuốt chửng”, nhưng nó cũng là một thứ dây cót tinh thần để ta buộc phải xuất sắc để vượt lên, như những chú cá phải bơi điên cuồng để tồn tại trước chiếc hàm sắc của tử thần.
ST
Xem thêm Nghệ thuật sống Quy luật con cóc