Các nhà khoa học cho biết giới trẻ có những thay đổi lớn về trí thông minh trong giai đoạn niên thiếu. Phát hiện này đưa ra những hướng mới trong giáo dục.
Các nhà nghiên cứu chưa biết rõ liệu chỉ số thông minh thay đổi là do sự phát triển sớm hoặc muộn hay do vai trò của giáo dục. (iStockphoto: IndigoLeo)
Kết quả nghiên cứu không có gì đáng ngạc nhiên với những ông bố bà mẹ từng phát hiện con mình trở nên ‘ngu ngơ’ hơn ở giai đoạn nào đó trong thời kỳ niên thiếu, rồi vài năm sau lại trở nên thông minh hơn hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, trong báo cáo công bố trên tạp chí ‘Nature’, các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi này liên quan tới biến đổi trong cấu tạo não bộ chứ không do lượng hormone tăng.
Phát hiện trên làm lung lay niềm tin tuyệt đối trước đây cho rằng năng lực trí tuệ ổn định suốt cuộc đời. Quan điểm này vốn vẫn được ứng dụng trong các bài kiểm tra chỉ số thông minh ở trường tiểu học và đôi khi định hình cuộc sống của một người bằng cách quyết định lựa chọn nghề nghiệp và định hướng học tập.
Vào năm 2004, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 33 thiếu niên ở lứa tuổi từ 12–16.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một bài kiểm tra chỉ số thông minh tiêu chuẩn nhằm đo chỉ số thông minh ngôn ngữ (bao gồm kỹ năng ngôn ngữ, số học, kiến thức chung và trí nhớ) và trí thông minh phi ngôn ngữ (như xác định phần bị mất của một bức tranh hoặc giải một câu đố hình ảnh).
Vào năm 2007–2008, các nhà khoa học kiểm tra lại các đối tượng này.
Trong cả hai lần kiểm ra, các đối tượng được đặt vào máy quét hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để chụp hình ảnh ba chiều của não bộ.
Trong một số trường hợp, chỉ số thông minh của thiếu niên tăng hoặc giảm 20 điểm so với bạn bè cùng trang lứa.
Cấu trúc não thay đổi
Ngạc nhiên trước phát hiện, nhóm nghiên cứu chuyển sang tìm hiểu các hình ảnh chụp cộng hưởng từ và phát hiện thấy não của thiểu niên có những thay đổi đáng kể trong một số năm giữa giai đoạn này.
Ví dụ, chỉ số thông minh ngôn ngữ liên quan tới lượng chất xám trong vỏ não vận động bên trái, vùng giúp xử lý lời nói.
Chỉ số thông minh phi ngôn ngữ gia tăng liên quan tới lượng chất xám tăng mạnh ở vùng tiểu não trước, nơi liên quan tới các cử động của bàn tay.
Tuy nhiên, hiện tượng tăng hai loại chỉ số thông minh không nhất thiết đi đôi với nhau.
“Chúng tôi phát hiện thấy nhiều thay đổi trong cách thực hiện bài kiểm tra IQ của đối tượng nghiên cứu vào năm 2008 so với 4 năm trước đó”, bà Sue Ramsden từ Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh Thần kinh Wellcome Trust thuộc University College London (UCL) cho biết.
Bà cho biết một số người tham gia nghiên cứu thực hiện tốt hơn nhiều trong khi những người khác cho kết quả ngược lại. Các nhà khoa học phát hiện thấy mối liên hệ rõ nét giữa thay đổi cách thực hiện và cấu trúc não biến đổi và như vậy có thể chắc chắn phần nào khi khẳng định chỉ số thông minh không ổn định.
Nghiên cứu trước đây đã đề cập đến tính mềm dẻo của não bộ, một cơ quan có thể thay đổi cấu trúc suốt giai đoạn trưởng thành. Ví dụ, các lái xe taxi ở London làm bài kiểm tra ‘The Knowledge’ về bản đồ đường xá, có vùng đồi hải mã – điểm nút chi phối khả năng định hướng và trí nhớ – lớn hơn hẳn.
“Câu hỏi đặt ra là nếu cấu trúc não thay đổi trong suốt cuộc đời, liệu chỉ số thông minh có biến động không?” tiến sĩ Cathy Price từ trường UCL nêu vấn đề. “Tôi đoán rằng chỉ số thông minh không phải luôn ổn định. Nhiều bằng chứng cho thấy não bộ có thể thích nghi và cấu trúc não bộ thay đổi, kể cả trong thời kỳ trưởng thành”.
Định hướng cho phương pháp giáo dục
Các nhà khoa học hiện chưa biết rõ liệu sự thay đổi chỉ số thông minh ở thời kỳ niên thiếu là do sự phát triển sớm hoặc muộn hay do tác động của giáo dục.
Nếu phát hiện lặp lại trong nghiên cứu khác, định hướng có thể rõ ràng hơn.
“Chúng ta có xu hướng đánh giá con trẻ và xác định thời hạn học tập của chúng khá sớm. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cho thấy trí thông minh của chúng có lẽ vẫn đang phát triển”, bà Price nói.
Bà lưu ý rằng cần thận trọng, không nên coi những người lúc nhỏ học hành không tốt là đồ bỏ đi bởi vì trên thực tế, trí thông minh có thể cải thiện đáng kể trong vòng vài năm sau đó.