Ở bất cứ nơi nào cũng vậy, tình thương bố mẹ dành cho con cái là vô bờ bến. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả, sức lực, mồ hôi, danh dự… để mang đến những điều tốt nhất cho con cái của mình. Câu chuyện ngắn sau đây là một ví dụ cho tình thương đó của cha mẹ.
Hồi tôi còn nhỏ, gia đình sống ở châu Âu. Bố tôi làm chủ nhà máy dệt, còn mẹ ở nhà chăm sóc chúng tôi…Nhưng đến khoảng năm 1935, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trỗi dậy và đẩy chúng tôi ra bên lề cuộc sống.
Luật sư da màu không được hành nghề. Các bác sĩ không được phép chăm sóc những người thuộc ‘chủng tộc thấp kém’. Dần dần, những người không phải da trắng bị buộc phải bán, hoặc đóng cửa các cửa hàng, nhà máy của mình. Học sinh ‘hạ đẳng’ bị buộc phải rời khỏi các trường công. Không được đi học, tôi đành ở nhà và dành hầu hết thời gian để đọc sách.
Tôi hay nằm đọc, dần dần bỗng thấy vùng mặt hơi đau, tôi nghĩ là do nằm nghiêng đọc sách quá nhiều.
Rồi mặt tôi sưng lên. Mẹ nghĩ tôi bị viêm răng. Tôi đau đến khốn khổ nhưng bác sĩ không muốn chữa cho trẻ con da màu. Trong cơn lo lắng, bố tôi đã lén đi gặp và năn nỉ một vị nha sĩ. Ông này đồng ý, nhưng đòi rất nhiều tiền để khám cho tôi vào lúc đêm khuya.
Tôi ngồi bẹp gí, khóc thút thít vì đau và vì sợ khi nghe ông nha sĩ nói:
– Bị nhiễm trùng. Cái răng bên cạnh răng hàm phải được nhổ đi.
Ông ta ra sức lay rồi kéo, và cuối cùng cũng bẻ được cái răng ra. Tôi rên rỉ, nước mắt ròng ròng vì đau, nên mẹ tôi khẩn khoản:
– Bác sĩ có thể cho cháu loại thuốc gì để giảm đau được không ạ?
– Không – Ông ta trả lời – Người như các người thì làm sao biết đau! Nó chỉ giả vờ thôi!
Lúc ấy tôi đau muốn ngất đi, và sau này tôi hiểu chắc bố mẹ lúc đó còn cảm thấy đau gấp nhiều lần tôi. Bố mẹ phải dìu tôi về nhà.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, thấy trên gối tôi có rất nhiều mủ trắng. Hóa ra, vấn đề không phải là ở cái răng của tôi. Mà đó là bệnh viêm tai! Tôi uống aspirin, lấy bông gạc nóng chườm vào tai, còn mẹ phải nhỏ từng giọt dầu vào lỗ tai tôi với hy vọng nó sẽ khá hơn.
Cuối cùng, hình như đã hết nhiễm trùng, nhưng tai phải của tôi nghe ngày càng kém. Quá lo lắng, bố mẹ tôi gom hết tiền để dành để gửi tôi sang Hà Lan, nơi nạn phân biệt chủng tộc có đỡ hơn vào thời điểm đó, để tôi được chữa bệnh. Nhưng tai phải của tôi điếc hẳn.
Thế rồi, để tôi thật sự được chữa trị, bố mẹ tôi đã bán hết gia sản, đưa cả gia đình sang Mỹ. Sung sướng nhất là tôi lại được đi học. Nhưng thính giác của tôi tiếp tục giảm, cả ở bên tai trái. Rồi tôi phải nghỉ học.
Bố mẹ tôi không bỏ cuộc. Hai ba năm sau đó, đọc trên báo về một chương trình trợ giúp cho những người khiếm thính ở Đại học Wyoming, gia đình chúng tôi lại chuyển nhà tới Wyoming.
Tại Đại học Wyoming, may mắn thay, họ tìm được một thiết bị trợ thính có thể giúp được tôi. Tôi vẫn còn nhớ khi tôi đi cùng bố dọc theo một hành lang của trường, và tôi hỏi:
– Tiếng gì thế hả bố?
– Tiếng mưa đấy – Bố đáp, mắt hơi đỏ lên. Tôi thậm chí đã quên mất tiếng của những giọt mưa rơi xuống đất.
Ngày hôm sau mưa gió, vậy mà tôi lang thang suốt trên phố để ‘thưởng thức’ tất cả – tiếng lá bay lạo xạo, tiếng mưa đập vào cửa kính, tiếng còi xe… Thậm chí, cả tiếng giày bước trên những vỉa hè ướt mưa kêu lép nhép.
Và trong tôi tràn ngập lòng biết ơn với bố mẹ mình, những người đã vượt qua một đại dương, một cuộc chiến, bỏ lại sau lưng gia tài của cả một đời làm lụng, để cho tôi được hưởng lại những hạnh phúc rất đời thường này.
ST
Xem thêm truyện ngắn Bà mẹ quê