“Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô. Vân Tiên cõng mẹ chạy vô, đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra”.
Đó là câu hát hồi nhỏ tôi hay nghe tụi con trai trong xóm hát mỗi khi chơi “u mọi”, đứa nào thua phải cõng đứa thắng. Có lần tôi hỏi chị tôi vì sao “đụng phải cột nhà” thì chị tôi nói do Vân Tiên bị mù nên không thấy đường. Tôi không biết Vân Tiên là ai, nhưng thắc mắc vì sao anh ta đã không thấy đường mà còn cõng mẹ chạy đi đâu, mà sao mẹ không kêu lên khi sắp đụng vào cột nhà!
Bây giờ, chợt nhớ lại câu hát tuổi thơ, tôi mới thấy được cái “tình” trong đó. Rằng Vân Tiên bị mù nhưng khi gặp nguy biến thì không kịp nghĩ tới hoàn cảnh của mình, liều cõng mẹ trên lưng mà chạy.
Hầu như ai trong chúng ta cũng có một lần trong cuộc đời, khi còn thơ ấu được cha mẹ chú bác cô dì hay anh chị cõng trên lưng, nhưng có mấy ai trong chúng ta nghĩ đến chuyện cõng lại người thân của mình khi họ đã già yếu nhỉ?
Trong các điệu múa dân gian của người Trung Quốc có một điệu múa tên là “Lão năng thiếu”, diễn tả cảnh một ông lão cõng trên lưng một cô gái trẻ bị bó chân đi xem hội. Diễn viên múa là nữ, buộc trước ngực phần thân ông lão và sau lưng là đôi chân bị bó nhỏ xíu của cô gái, do vậy phải diễn tả được vẻ hân hoan của cô gái được hòa vào dòng người đi xem hội, cùng đôi chân run rẩy của một người già khi còn phải cõng thêm một người trẻ trên lưng.
Người xem điệu múa này ít khi để ý đến quan hệ giữa hai nhân vật, họ là hai ông cháu, cha con, là chồng già vợ trẻ, hay chỉ là hai người qua đường tình cờ gặp nhau, chỉ thấy toát lên ý quan trọng nhất, đó là sự giúp đỡ của ông lão đã đem lại niềm vui vô biên cho một người bất hạnh (có chân nhưng không thể đi đứng bình thường như mọi người) do hủ tục của xã hội.
Trong tập những câu chuyện thiền Góp nhặt cát đá của thiền sư Muju có câu chuyện về hai nhà sư và vũng nước. Hai nhà sư trẻ vâng lệnh thầy đi công việc. Trên đường đi, họ đến một quãng đường có vũng nước lớn chắn ngang. Một cô gái trẻ đứng lúng túng bên bờ, không dám lội qua.
Một trong hai nhà sư thấy vậy liền nhấc bổng cô ta lên rồi lội qua vũng nước. Sang tới bờ bên kia, ông bỏ cô ta xuống rồi hai nhà sư lại đi tiếp. Đi được một quãng, nhà sư thứ hai không nhịn được liền hỏi: “Sao lúc nãy huynh lại làm như thế, không sợ phạm giới luật sao?”. Nhà sư thứ nhất trả lời: “Cô gái ấy tôi đã bỏ lại bên vũng nước rồi. Huynh còn đem cô ta theo sao?”.
Trong cuộc sống luôn có những sự giúp đỡ xảy đến rất tự nhiên, như thể là tất yếu. Việc “cõng” hay “bồng” ai đó cũng thế. Và có lẽ vì thế mà cuộc sống của chúng ta, dẫu có thế nào, cũng vẫn còn rất đáng sống và đáng yêu!
Theo tuoitrecuoituan