Tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, cao lớn, đẹp trai, thông minh, ngày về nước Hùng lập tức tìm được việc làm tại một tập đoàn bảo hiểm lớn. Chỉ vài năm sau, Hùng được bổ nhiệm chức giám đốc chi nhánh. Thế nhưng, ở tuổi 34, Hùng vẫn một mình sớm tối đi về căn hộ chung cư cao cấp.
Có ai tỏ vẻ lo lắng, hỏi thăm, Hùng thản nhiên: “Đàn ông lấy vợ tuổi nào chẳng được. Cứ từ từ tìm cho được người xứng đáng đã, để khỏi phải ly hôn tới ly hôn lui cho con cái khổ”.
Nhưng tiêu chuẩn của một người xứng đáng với Hùng có vẻ không đơn giản. Đầu tiên, trình độ của cô gái đó ít nhất cũng phải đại học, vì “thấp hơn làm sao nói chuyện với nhau?! Vả lại, sau này còn nuôi dạy con cái nữa chứ. Con cái chịu ảnh hưởng của người mẹ nhiều lắm”. Tiếp đến, người đó “Không cần là hoa hậu, hoa khôi hay người mẫu chân dài, nhưng cũng phải được mắt. Vợ xấu, vợ vụng, đi đám tiệc, lễ lộc không dám chào hỏi mọi người”.
Chưa hết, Hùng phải lấy vợ có công ăn việc làm đàng hoàng. “Thời buổi này, hôn nhân là bình đẳng giữa hai người, là hợp đồng được pháp luật công nhận. Hai bên cùng có quyền lợi, nghĩa vụ ngang nhau, không ai là gánh nặng của ai, về cả vật chất lẫn tinh thần. Cho nên cô ấy phải tự lo cho mình và cho con được trong trường hợp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”.
Chỉ nghe các tiêu chuẩn “giản dị” đó của Hùng, ai cũng ngán, chưa kể các tiêu chuẩn con con. Chẳng hạn, nghề nghiệp tốt nhưng phải có thời gian chăm sóc gia đình (nhưng không được làm nghề giáo, vì nghề đó nghèo), tránh người có gò má cao, sát chồng; eo to, hông nhỏ khó sinh con; gia đình không quá nhiều anh chị em… Thế là các cô gái đi qua “cái sàng” khó khăn ấy của Hùng không để lại dấu vết.
Năm 38 tuổi, Hùng gặp một cô gái tên Nhi. Cô trẻ hơn Hùng hai tuổi và cũng là người thành đạt: giám đốc của ba công ty có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Lần đầu gặp Nhi, ai cũng lấy làm lạ, chẳng hiểu vì sao người phụ nữ khá xinh, thành công lại muộn chồng như vậy. Nhưng rồi nhìn tới những thành công của cô, ai cũng hiểu: Nhi chẳng còn thời gian dành cho tình yêu. Và thậm chí điều ấy làm cô tự hào vì bản lĩnh sắt đá của mình.
Chỉ có mẹ cô, người được cô xây cho một căn nhà lớn, là khóc thầm hoài. Bà từng nói với cô: “Mẹ không cần nhà của con, mẹ muốn con lấy chồng”, nhưng cô trả lời kiêu hãnh: “Con đang gặp thời. Cái đó mới khó, chứ đàn ông thì nhan nhản”.
Ở tuổi 35-36 Nhi là người phụ nữ thành công, nhưng những gánh vác, những ham muốn ước mơ thực tế biến cô thành người phụ nữ… thiếu nữ tính. Và chắc vì thế mà hình như đàn ông cũng chẳng mấy ai có ý theo đuổi Nhi. Cô và Hùng gặp nhau trong một hợp đồng làm ăn. Và thật bất ngờ là họ nhanh chóng quyết định làm đám cưới. Bạn bè họ ai cũng bảo: “Trai tài lấy gái… tài là phải rồi”. Ấy thế nhưng nghe Hùng tâm sự, bạn bè mới bật ngửa: “Yêu đương gì đâu, mình và cô ấy cưới nhau theo… thỏa thuận”.
Thấy ai nấy tròn xoe mắt, anh phân tích: “Thực ra ở cô ấy có cái quá nhiều, có cái quá ít so với tiêu chuẩn mình định ra, nhưng mình thấy thế là tàm tạm rồi. Mình cũng nghiệm ra chẳng có ai hoàn hảo như mình mong muốn. Quan trọng là cô ấy có nhu cầu lấy chồng, mình có nhu cầu lấy vợ. Cả hai cùng có ý định hết sức nghiêm túc. Nói chuyện vài ba lần, cả mình và cô ấy đều thẳng thắn nói ra mong ước của mình. Tự dưng mình nghĩ: Sao không hợp thành gia đình, sống chung, tôn trọng những thỏa thuận chung, chứ còn đợi yêu nhau, biết đến lúc nào? Tìm người vừa ý đã khó, đến khi tìm được chắc gì đã yêu nhau. Mà yêu nhau thì… người ta yêu năm, bảy năm còn chưa chắc đó là tình yêu, chưa chắc hạnh phúc, huống hồ tuổi mình, không lẽ đợi đến 50 tuổi để kiểm chứng tình yêu. Thôi cứ lấy nhau rồi tính sau”.
Theo anh, đó cũng là một kiểu xây dựng gia đình hiện đại và thực tế. Hình như Hùng luôn là người đưa ra những hợp đồng đúng đắn, thành công. Và Nhi cũng vậy. Gia đình họ thực ra có vẻ rất ổn. Bởi cả hai đều cứng rắn, đều biết tôn trọng các nguyên tắc và cả… đối tác.
Thế nhưng, lần gần đây nhất, bạn bè gặp Hùng khi anh vừa mở công ty mới. Hỏi thăm Hùng về gia đình, anh nói bây giờ kinh tế trong nhà dư dả, vợ chồng mình đều muốn các con đi du học sớm. Thế nhưng nghĩ đến cảnh chỉ còn lại mình đối mặt với vợ trong căn nhà rộng lớn, anh thấy… hoảng.
Hùng đúc kết: “Dù sao con cái cũng là gạch nối duy nhất giữa hai chúng mình. Bây giờ con mà đi xa, chẳng biết sắp tới ra sao? Người ta nói đến tuổi già, vợ chồng chỉ còn tình nghĩa với nhau. Tụi mình chưa già lắm, nhưng vì kết hôn không cảm xúc tình yêu nên mối quan hệ cứ cưng cứng làm sao ấy. Chẳng biết mai này, lỡ con nó hỏi bố mẹ yêu nhau thế nào, chắc mình cũng không biết trả lời sao nữa, không lẽ nói với con: Các con chỉ là sản phẩm của một hợp đồng hôn nhân?”.
Theo nld