Những bất đồng xảy ra trong một mối quan hệ không hẳn là điều bình thường nhưng nếu nó được giải quyết, nó sẽ làm mối quan hệ trở nên gắn kết chặt chẽ hơn. Chắc chắn bạn sẽ không thể tránh khỏi những lúc buồn bã, căng thẳng hay giận hờn giữa hai người. Những nguyên nhân mâu thuẫn có thể từ những yêu cầu có vẻ vô lý, những mong muốn ẩn giấu mà không được phát hiện, những hành động sai trái nào đó. Để giải quyết được vấn đề đòi hỏi sự chân thành, một chút sẵn sàng để hiểu quan điểm người bạn đời nếu như bạn chưa thật sự hiểu được nó và sự mở rộng lòng mình để trao đổi thẳng thắn.
Việc chia sẻ cởi mở thật sự là điều cần thiết, đặc biệt là khi hai bạn cần có những quyết định quan trọng liên quan đến công việc, hôn nhân, gia đình hay về quan hệ tình dục. Nhưng nếu bạn tuân theo những “hướng dẫn sử dụng” sau, Dakota tin chắc bạn sẽ thành công trong việc “đàm phán” và giải quyết được những mâu thuẫn.
Hiểu được khuôn mẫu gia đình của mỗi người. Tìm hiểu về cách quản lý và hóa giải mâu thuẫn của mỗi người trong gia đình là điều khá quan trọng. Cũng dễ hiểu nếu hai người khám phá ra mỗi người có những cách thể hiện sự giận dữ hay giải quyết vấn đề bằng những cách khác nhau. Hãy tạo ra một không gian trao đổi thân tình và giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng, và thử những cách giải quyết mới nhé!
Chớ giăng buồm khi trời giông bão
Thời điểm tốt nhất để giải quyết một vấn đề không phải là ngay khi vấn đề bùng nổ. Cả hai đều cần một khoảng lặng để “hạ hỏa” và nhìn rõ vấn đề hơn. Khoảng thời gian này có thể giúp bạn tránh những ngôn từ hay hành động thiếu tỉnh táo có thể làm tổn thương nhau và trong phút chốc có thể gây nên những điều không đáng có. Và điều này cũng giúp cho nhau quan sát rõ hơn về điều gì nên làm hay không nên làm để cứu vãn tình thế trong hòa bình. Hãy nhớ là “chớ giăng buồm khi trời giông bão” bạn nhé!
Xây dựng một bầu không khí thân tình
Đó là không gian giúp bạn có thể chấp nhận những khác biệt của nhau và không đòi hỏi người kia phải đáp ứng đúng những nhu cầu bạn muốn. Hãy tìm cách để cả hai thể hiện tình yêu với nhau và không đặt tiêu chuẩn cho tình yêu của nhau. Vì nếu người khác không thể hiện tình yêu của họ theo cách bạn muốn, không có nghĩa là họ không yêu bạn.
Chấp nhận thỏa hiệp
Hầu hết các cặp vợ chồng đều sẽ gặp một số vấn đề không thể nào chấp nhận quan điểm của nhau. Thay vì cứ tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn của mâu thuẫn và tranh luận không có lối thoát, hãy tìm một cách thỏa hiệp hay giải pháp cho vấn đề này.
Phân biệt giữa những điều bạn muốn và những điều bạn cần từ người bạn đời. Chẳng hạn, để an toàn, bạn cần chồng đón đúng giờ sau khi trời đã khuya. Nhưng gọi cho anh ấy mấy lần trong một ngày có thể chỉ vì bạn muốn mà thôi.
Truyền đạt thông điệp rõ ràng
Một thông điệp rõ ràng liên quan đến thái độ tôn trọng khi thể hiện nhu cầu và điều mình mong muốn. Dành thời gian để xác định điều gì bạn thật sự muốn trước khi nói chuyện với vợ/ chồng. Bạn hãy mô tả yêu cầu của mình một cách rõ ràng. Ví dụ, bạn có thể nói “Em muốn anh nắm tay em nhiều hơn” thay vì nói chung chung “Giá như anh “tình cảm” hơn”
Mỗi lúc một chuyện
Có thể bạn sẽ bị thôi thúc phải đưa một danh sách những điều cần than vãn hay khó chịu nhưng làm như thế, bạn chỉ làm kéo dãn cuộc tranh luận lâu hơn và mệt mỏi hơn mà thôi. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là chỉ chia sẻ một chuyện trong một thời điểm cụ thể.
Lắng nghe thực sự
Một người lắng nghe giỏi cần một số yêu cầu: không ngắt lời, chú ý đến những điều người khác nói hơn là quan tâm là mình sẽ phản ứng ra sao và kiểm tra lại những gì mình nghe và hiểu có chính xác không. Bạn có thể bắt đầu bằng cách: “Em nghĩ anh đang nói là …” hay “ Những gì anh hiểu là ….” Điều này giúp bạn tránh đi những hiểu lầm đáng tiếc và châm ngòi thêm vào “cuộc chiến”.
Kiềm chế bản thân.
Những nghiên cứu nhận thấy những cặp vợ chồng biết “control” bản thân và không buông ra tất cả những giận dữ là những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất.
Tiêu chí cả hai cùng thắng
Cả hai cùng thắng nghĩa là mục tiêu của bạn là xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp chứ không phải đấu tranh cho quyền lợi của bản thân là thắng cuộc trong mâu thuẫn đó. Tự hỏi bản thân: “Có phải những điều tôi nói hay làm có giải quyết được vấn đề và giúp mối quan hệ này tốt hơn không?”