Trên các báo gần đây nổi lên vấn đề an toàn thực phẩm. Cụ thể là thịt siêu nạc chứa chất độc hại và trái cây để mấy tháng vẫn xinh tươi. Đây không phải là chuyện mới, nhưng nói ra ai cũng thấy ớn.
Vào tháng 11/2005, báo Tuổi trẻ đã có một bài về những loại “thần dược” trong chăn nuôi. Những loại hóa chất kích thích tăng trưởng này giúp cho người chăn nuôi thu lợi nhanh nhưng cực kì nguy hại cho sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tháng 1/2011, Tuổi trẻ lại có thêm một bài về thịt heo của Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhiễm chất clenbuterol. Giai đoạn gần đây, vấn đề thịt siêu nạc tiếp tục nóng lên. Người tiêu dùng hoang mang, thị trường tiêu thụ thịt heo giảm mạnh.
Thịt heo, trái cây, rau củ quả v.v. nhìn ở đâu cũng thấy có nguy cơ nhiễm chất độc. Chuyện tuy không mới nhưng mỗi năm đều cần được xem xét, giải quyết. Nó được giải quyết thế nào thì cứ đọc báo hằng ngày bạn sẽ rõ.
Ở đây, chúng ta không nói tới chuyện giải quyết hậu quả như thế nào. Ai cũng rõ hậu quả của kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”. Nó làm cho người dân không an tâm với thứ mình mua. Các ngành chức năng mệt bở hơi tai trong việc tìm cách giải quyết. Những người làm ăn ngay thẳng cũng bị vạ lây.
Còn những kẻ thà cho người khác chịu thiệt để mình giàu lên thì rồi họ sẽ lộ bộ mặt thật ra và chẳng ai dám làm ăn với họ nữa. Họ đã chấp nhận cái lợi trước mắt mà lờ đi cái hại lâu dài. Đã vậy thì họ cũng sẽ nhận y chang những gì mình muốn: cái lợi trước mắt và cái hại lâu dài.
Vấn đề ở đây chính là ảnh hưởng của nền văn hóa lúa nước tới đạo đức kinh doanh. Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp, hầu hết dân số cả nước là nông dân. Người nông dân cực nhọc làm việc quanh năm và hi vọng rằng cuối cùng mình sẽ được an nhàn. Đó là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.
Khổ nỗi, trong khi nông dân cực khổ làm việc mới đủ sống mà những tay lái buôn chỉ cần mua đi bán lại mà giàu nhanh chóng. Cho nên, không có gì lạ khi trong tâm thức của người Việt Nam, chúng ta rất ghét dân buôn. Mà chúng ta ghét ai thì những kẻ đó chắc chắn là kẻ xấu. Kết quả là trong văn hóa của người Việt từ xa xưa, những người buôn bán nhằm thu lợi đều là người xấu.
Lối suy nghĩ này rõ ràng đã được thấm nhuần và truyền từ đời này sang đời khác. Không chỉ thế, bởi vì bị quan niệm là kẻ xấu nên người buôn bán cũng tin mình là kẻ xấu. Và một khi đã tin thì chúng ta sẽ hành xử theo đúng như những gì mình tin. Họ trở thành những kẻ buôn bán bất lương. Mức độ bất lương như thế nào tùy vào thời điểm và điều kiện. Trong điều kiện hiện nay, nó ở mức “ai sống chết thế nào cũng mặc, miễn là ta giàu.”
May mắn thay, ở đâu đó vẫn có những thương nhân làm giàu chân chính. Họ không tin vào những suy nghĩ rập khuôn, phiến diện. Họ tin rằng với khả năng của mình, họ buôn ngay bán thẳng và trở nên giàu có. Như đã nói trên, khi đã tin thì chúng ta sẽ hành động theo niềm tin đó.
Những trường hợp đó không ít. Bạn đọc báo thường xuyên sẽ thấy những con người làm giàu chân chính và họ đang đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp. Trong trường hợp bạn còn nghi ngờ, không chắc “doanh nhân tiêu biểu” trong năm nay sang năm có ra tòa vì tội gì không, thì bạn cũng đừng lo. Luôn có một doanh nhân chân chính ở đâu đó, còn không thì tại sao bạn không là một ví dụ điển hình?
Dù bạn có tin hay không, thực tế là chúng ta luôn có quyền lựa chọn. Hãy chọn cách làm giàu chân chính. Con đường ấy khó khăn lắm, gian nan lắm. Nhưng ít nhất tâm hồn chúng ta được thanh thản. Ít ra bạn không phải trằn trọc từng đêm suy nghĩ “không biết ngày mai có bị công an tóm không đây?”
Đừng chờ người khác đem lại điều tốt đẹp cho bạn. Hãy tạo ra những điều đó và chia sẻ chúng với người khác. Bởi vì nếu cứ chờ đợi thụ động một cách vô vọng, bạn sẽ mãi cứ chờ thôi.