Theodore Levitt, nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ, và cũng là giảng viên của trường Kinh doanh thuộc ĐH Harvard, đã nói: “Kinh nghiệm đến từ những điều chúng ta đã làm. Sự thông thái đến từ những điều chúng ta đã làm hỏng”.
Hầu như tất cả mọi người đều thừa nhận rằng Theodore Levitt là một người thông thái. Vậy không biết ông đã làm hỏng những gì?!
Nếu cứ theo lập luận của ông, thì tôi hẳn phải vô cùng thông thái. Bởi qua nhiều năm, tôi đã “sưu tập” được một con số ấn tượng những điều mình đã làm hỏng, hoặc những điều diễn ra chẳng ổn chút nào.
Nhưng nói cách khác, sự thông thái chính là điều mà trường đời dạy cho chúng ta mỗi lần chúng ta bị một điểm kém. Sự thông thái là điều phải khó khăn mới có được, và nó thường được sinh ra từ đống tro tàn của thất bại. Có một người đã kể lại câu chuyện gặp gỡ một trong những người thực sự “thông thái” trên một chuyến bay tới Florida.
Lúc này, ông đang chuẩn bị vài gạch đầu dòng ghi nhớ cho buổi hội thảo về giáo dục cách làm cha mẹ mà ông sẽ tổ chức ở đó. Bessie, một phụ nữ lớn tuổi ngồi cạnh ông, giải thích rằng bà ấy đang trở về nhà mình sau khi đã dành hai tuần để tới thăm 6 người con, 18 đứa cháu và 10 đứa chắt.
Thế rồi, Bessie hỏi ông làm nghề gì. Người đàn ông giải thích rằng ông là nhà tâm lý học, chuyên khoa nhi. Ông rất tự hào khi nói với bà Bessie điều đó, và ông gần như tin chắc rằng bà sẽ rất ấn tượng, sẽ hỏi ông đủ thứ để có được những lời khuyên chuyên nghiệp.
Dù gì, chuyến bay cũng kéo dài những 3 tiếng và bà ấy còn biết nói chuyện gì nữa. Nhưng Bessie có vẻ là một người thông thái.
Thay vì đặt câu hỏi, bà dựa lưng vào ghế, cầm một cuốn tạp chí lên và bảo: “Ôi, hóa ra ông là bác sĩ tâm lý chuyên khoa nhi! Vậy bác sĩ này, nếu có bất kỳ điều gì ông muốn biết về trẻ con thì cứ hỏi tôi nhé”.
Nhiều năm làm mẹ, rồi làm bà, đã cho Bessie điều mà không một bằng cấp chuyên nghiệp nào làm được – đó là sự thông thái qua những khó khăn. Hầu hết những điều bà biết về trẻ con chỉ có thể được học qua những trải nghiệm, tất nhiên, bao gồm cả những trải nghiệm thất bại.
Vì vậy, đừng lo lắng về những điều mà bạn làm hỏng. Nếu bạn chú ý tới những điều không ổn, và nguyên nhân của chúng, thì bạn sẽ thấy rằng ngay cả những thất bại lớn nhất cũng đem lại cho bạn điều gì đó vô giá – chúng dạy cho bạn những bài học mà bạn không học được trong sách vở nào. Đôi khi, sự thông thái không thể đến bằng bất kỳ cách nào khác được.
ST
Xem thêm Đừng đặt cuộc sống trong giới hạn của những người trung bình