Bạn có thấy đôi lúc bị mắc kẹt trong dòng suy nghĩ vì không tìm thấy sự mới mẻ, độc đáo trong ý tưởng?
Bạn có thấy khó chịu khi ngay lúc mình cần thì cảm hứng cứ lẩn tránh, khiến bạn thầm nhủ: “Gía như mình có cảm hứng ngay lúc này thì công việc đã đâu vào đấy rồi”
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cùng huấn luyện tư duy theo một chiều hướng mới mẻ khác. Chúng ta thường nghĩ mình ở thế bị động chờ cảm hứng ghé thăm. Rằng chúng ta không có sức mạnh tự tạo ra nguồn cảm hứng cho chính mình. Thực tế thì nguồn cảm hứng bất chợt thường đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Nhưng không hẳn là chúng ta bị động chờ cơ hội hiếm hoi ấy.
IMA mời bạn cùng làm mới lại cho tư duy mình để kiến tạo ra một bộ sưu tập cảm hứng độc đáo nhé!
Tạo ra cảm hứng là một thói quen
Cũng như bao thói quen khác, để có được nó đòi hỏi lòng kiên trì luyện tập. Tuy nhiên, thói quen này đòi hỏi một chế độ phức tạp và thử thách hơn hẳn những thói quen khác như tập thể dục, ăn ngủ điều độ, thức dậy sớm,…thói quen tự sản xuất cảm hứng được xây dựng từ nền móng của nhiều loại kỹ năng và thói quen nhỏ khác.
Chúng ta không thể dễ dàng kiểm soát được thói quen này nếu chưa có sự rèn luyện các thành phần nhỏ khác. Như vậy, nguồn cảm hứng là hệ quả của sự chinh phục nền móng đa dạng của kỹ năng và thói quen nhỏ.
Chăm chỉ làm việc trước
Chúng ta thường nghĩ cảm hứng đến trước mới có thể làm việc được hiệu quả. Nhưng chúng ta có thể làm mới tư duy bằng cách nghĩ ngược lại. Chăm chỉ tập trung làm việc tạo ra ánh sáng của cảm hứng. Những ý tưởng hay sẽ không xuất hiện nếu bạn không thường xuyên nghĩ về chúng. Cảm hứng nằm đâu đó chờ bạn trên mạch suy nghĩ và được nuôi dưỡng lớn mạnh bằng thói quen thực hiện chúng hàng ngày. Những tế bào thần kinh trong bộ não của bạn sẽ được kết nối với nguồn cảm hứng trong quá trình bạn bền bỉ xây dựng mục tiêu cụ thể nào đó
Thay vì ngồi chờ một ý tưởng thật độc đáo mới bắt tay vào viết, mỗi ngày bạn có thể đặt ra một thói quen là viết 10 dòng về một đề tài nào đó bạn thích. Ngoài ra, thói quen trau dồi kiến thức và phát triển vốn từ vựng, phong cách viết cũng cần được phối hợp nhịp nhàng. Những thói quen nhỏ hàng ngày ấy là công cụ kết nối mạch suy nghĩ của bạn đến giây phút bạn phải thốt lên rằng: “chính xác đây là cái mình cần”
Tất nhiên, làm việc quá sức và đắm chìm trong những lề thói quen thuộc sẽ bóp nghẹt sức sáng tạo của bạn. Vì thế, hãy:
Dành thời gian thư giãn.
Thư giãn không hẳn là đi nhậu nhẹt ăn chơi quá đà, hay hòa mình vào những bộ phim, chương trình truyền hình, trò chơi vô bổ. Thư giãn có thể được coi như là những hoạt động giúp bạn khám phá và cảm nhận nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống, như nhắm mắt nghe nhạc nhẹ và suy nghĩ đến những điều tích cực bạn đang sở hữu, đọc một quyển sách bổ ích, quan sát một buổi giao lưu, bình luận một đề tài cuộc sống với bạn bè, lắng nghe một trải nghiệm quý báu,…Bạn thử tạo cơ hội cho mình thưởng thức các hoạt động mới lạ nhé!
Nắm lấy cảm hứng kịp lúc
Cảm hứng không nán lại lâu. Nó như luồng gió thổi qua cửa sổ tư duy của bạn vậy, thoang thoảng nhẹ nhàng khiến tinh thần sảng khoái, nhưng cũng vút qua rất nhanh. Khi cửa sổ khép lại, bạn chợt thấy sự mát mẻ của cơn gió cảm hứng đột nhiên biến mất.
Để nắm lấy những ý nghĩ độc đáo khi cơn gió thoảng qua, bạn lúc nào cũng phải trong tâm thế sẵn sàng để:
Sưu tập
Dường như các ý tưởng độc đáo và đơn giản nhất là một sợi dây kết nối những điều bình dị trong cuộc sống. Giữa muôn vàn sự việc kỳ lạ và hấp dẫn:
- sáng tạo là xây dựng một chiếc cầu để gắn chặt những điều kỳ thú của cuộc sống với nhau.
- sáng tạo là sắp xếp lại những mảnh thông tin, kiến thức có sẫn trong cuộc sống theo một cách khác
Và không một công cụ nào có thể giúp chúng ta xây dựng sức sáng tạo vững chắc hơn là một bộ sưu tập ý tưởng bao gồm:
- Những ý tưởng mơ hồ từ trí tưởng tượng phong phú, vượt qua chuẩn mực về logic và lý lẽ tầm thường;
- Những ý tưởng ngẫu nhiên chợt thoáng qua khi chúng ta vô tình nhìn thấy một cảnh vật hay sự việc hấp dẫn;
- Những câu nói, hình ảnh chúng ta bắt gặp hàng ngày;…
Cảm hứng sáng tác ra một ý tưởng độc đáo được chôn sâu trong từng câu nói chúng ta nghe, hình ảnh chúng ta thấy hàng ngày nhưng thiếu sự tỉ mỉ quan sát tìm ra sợi dây kết nối
Hãy ươm mầm mống sáng tạo bằng một quyển sổ tay ghi nhận lại những gì làm bạn thấy hứng khởi hay bằng một chiếc máy chụp hình khi cần thiết!
Nuôi dưỡng mầm mống
Bộ sưu tập của bạn sẽ vô giá trị nếu bạn để nó bám bụi ở một xó xỉnh nào đó. Hãy lôi nó ra ít nhất một tuần một lần để nhìn ngắm, nghiềm ngẫm và đặt ra những câu hỏi thú vị thu hút bán cầu não phải của mình hoạt động. Hãy tìm thấy niềm vui trong bộ sưu tập của mình!
Gía trị của sự sáng tạo nằm trong thói quen để tâm tới những thay đổi nhỏ bé trong cuộc sống thường nhật. Quan sát, suy nghĩ, tò mò, thử nghiệm đan thành sợi dây kết nối cảm hứng vào dòng tư duy của bạn.
Xem thêm bài viết Đánh thức trí sáng tạo
Vận dụng vào thực tế
- Tìm hiểu và đề ra khía cạnh nào trong cuộc sống cần bạn phải có nhiều nguồn cảm hứng, như: trong công việc viết lách, trong công việc quảng cáo, thiết kế; hoặc trong sở thích của bạn như làm bánh, chơi đàn, vẽ tranh,…
- Nghiêm túc dành thời gian và tâm trí, chăm chỉ làm những việc liên quan đến các khía cạnh bạn mong muốn trong bước 1, ngay cả khi bạn thấy công việc đó nhàm chán, chưa có kết quả, bạn có thể nghỉ ngơi, hoặc sắp xếp lại quỹ thời gian, nhưng khoan từ bỏ nhé!
- Đề ra những hoạt động bổ ích để thư giãn và áp dụng chúng khi bạn cần nghỉ ngơi. Tận dụng thời gian giải trí làm những việc khiến bạn cảm thấy vui nhưng phải liên quan đến khía cạnh trong bước 1. Hãy thử trải nghiệm thêm những việc làm mới mẻ lập trình trạng thái tư duy của bạn vào hệ có “cảm hứng”!
- Có một quyển nhật ký lưu giữ ý tưởng, suy nghĩ, sự việc thoáng qua trong ngày khiến bạn quan tâm
- Để tâm theo dõi quyển nhật ký của mình và thử nhìn những điều bạn ghi nhận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Những món quà cảm hứng nhỏ nhoi quý báu sẽ bốc hơi nếu bạn không bắt tay vào hành động. Đừng lãng phí những cơ hội hiếm hoi trong cuộc sống nhé!
Xem thêm bài viết Chiến thắng ngày làm việc buồn chán