Tại sao nhiều khi bạn đưa ra một mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch để đạt được và bắt tay vào hành động, nhưng sau nhiều năm, bạn vẫn không thấy hiệu quả nhiều?
Một chiến lược để đạt mục tiêu thường như thế này:
- 1. Xác định mục tiêu
- 2. Lên kế hoạch để đạt được nó
- 3. Đưa ra nhiều bước hành động
- 4. Nhìn lại và cải tiến cho tới khi thành công
Đưa ra mục tiêu cụ thể chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi. Muốn thành công trong công việc, mỗi người cần biết động lực thực sự khi hoàn thành mục tiêu đề ra là gì.
Chẳng hạn đơn giản, bạn đề ra mục tiêu dọn dẹp văn phòng, và bạn vốn dĩ là người gọn gàng, bạn thích cảm giác mọi thứ đều ngăn nắp. Vì thế, bạn dễ dàng đưa ra một danh sách công việc cần phải làm để đạt được mục tiêu một cách dễ dàng. Nếu có gì đó bất ngờ xảy ra, bạn có thể sắp xếp lại để mọi việc tốt đẹp. Đó là ví dụ về một mục tiêu, và nếu bạn cảm thấy có niềm vui động lực để làm, thì đó là sức mạnh để bạn thực hiện nó một cách đơn giản.
Trong trường hợp thứ hai, cũng là mục tiêu là dọn dẹp văn phòng nhưng bạn chẳng thích việc sắp xếp nhà cửa, bạn thoải mái với một văn phòng lộn xộn – nó giúp bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn. Bạn chẳng vui vẻ gì với mục tiêu này chút nào, nhưng vì một tác động bên ngoài như lời chê bai bạn bè, bạn thấy phải thay đổi. Nhưng mong muốn thay đổi không xuất phát từ bên trong thì mục tiêu đề ra cho dù dễ như việc dọn văn phòng cũng đủ làm bạn nhức đầu.
Điều đó không có nghĩa là bạn lười biếng, thiếu kiên nhẫn nhưng đơn giản vì mục tiêu đề ra không xuất phát từ động lực thực sự của bạn.
Hai loại cảm xúc khác nhau
Albert Einstein có một câu nói thú vị rằng “chúng ta không thể giải quyết vấn đề khác đi với tầm nhận thức như cũ”.
Với người thứ hai trong ví dụ trước thì gọn gàng và ngăn nắp không phải là “sở trường” của cô ấy. Thói quen của cô là tạo nên một mớ lộn xộn và chấp nhận nó ngay cả khi cô không thích điều đó. Trong suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin cô ấy đều mặc nhiên đón nhận không gian như thế. Cô ấy chỉ thay đổi thực sự khi tự bản thân thấy yêu thích sự ngăn nắp, gọn gàng.
Mục tiêu bạn có tương xứng với động lực của bạn?
Bạn hãy thử nghĩ về những mục tiêu và dự án bạn đang muốn có. Cái nào tạo cho bạn cảm
giác sẵn sàng ngay bây giờ? Cái nào khiến bạn cần phải ngẫm nghĩ và có vẻ gắng gượng?
Khi tổ chức các buổi hội thảo giúp các bạn trẻ khám phá mục tiêu và điều mình mong muốn, tôi thường nhận được chia sẻ rất chân thành rằng các bạn không biết mục tiêu của mình là gì. Ai cũng muốn mình kiếm được nhiều tiền nhưng nhiều bạn không biết rõ vì sao mình muốn có nhiều tiền, hoặc để được người khác ngưỡng mộ, hoặc để không thua kém bạn bè… Thế nhưng, động lực bên trong của các bạn lại là tận hưởng một cuộc sống an nhàn và ổn định. Như thế, động lực kiếm tiền không đủ mạnh để khiến bạn nỗ lực vì đó không phải là mong muốn thực sự của bạn. Vì thế, mục tiêu này mãi nằm trong vòng luẩn quẩn.
Mục tiêu và kế hoạch có thiếu thực tế?
Ví dụ như bạn đề ra mục tiêu kiếm được một tỷ trong năm nay nhưng bạn chưa bao giờ kiếm được hơn 100 triệu thì có vẻ như bạn dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn nếu thực hiện theo phương pháp trên. Tuy nhiên, nếu bạn đã có thu nhập là 100 triệu, 300 triệu và 700 triệu trong 3 năm trước, thì tiến trình hoàn thành mục tiêu trên khá khả quan với bạn. Tình trạng hiện tại của bạn tương xứng với khả năng đủ để bạn bước lên bậc thang cao hơn.
Như ví dụ trên, bạn chưa bao giờ cầm trong tay số tiền 100 triệu, nếu bạn muốn kiếm được một tỷ trong năm nay. Khả năng và tư duy của bạn vẫn bị mắc kẹt ở khoảng 100 triệu thì khi bạn lên kế hoạch để kiếm được một tỷ thì đó không phải là một kế hoạch thực tế. Nó chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Kế hoạch của bạn giống như kế hoạch của một đứa bé muốn xây dựng một đĩa bay trong không gian.
Đừng tạo ra những kế hoạch không thực tế. Trước tiên, bạn cần xác định khả năng, thái độ, suy nghĩ và cảm xúc của bạn có ngang tầm với mục tiêu mà mình muốn hay không. Sau đó, bạn mới có thể xác định các bước đi và hành động cụ thể để đạt được nó.
Vì thế, trước khi đưa ra một mục tiêu vào hành động, bạn hãy hỏi bản thân: Vì sao tôi mong muốn hoàn thành mục tiêu này? Tôi có thực sự muốn đạt được điều này? Nếu mục tiêu không phù hợp với con người bạn, để đạt được chúng, điều bạn cần làm đầu tiên là thay đổi thái độ từ bên trong để thành công.
Xem thêm Bí mật của thành công