Vừa hợp khẩu vị, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa rẻ, mang cơm đến cơ quan đang trở thành một phần của “thời trang” công sở.
Trước đây, cơm văn phòng chỉ khoảng trên dưới 20.000 đồng/suất đã có thể “ăn được”, nhưng hiện giờ không còn mức giá đó. Có lẽ vì thế mà trong giới nhân viên công sở, nhất là các cô, các chị, đang rộ lên phong trào mang cơm đi làm.
Vừa hợp khẩu vị, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa rẻ, mang cơm đến cơ quan đang trở thành một phần của “thời trang” công sở.
Tại Hà Nội, nhiều cơ quan đã trang bị lò vi sóng để nhân viên hâm nóng đồ ăn. Có nơi, chị em tự chung tiền nhau mua; bất quá, nhiều chị em sắm những chiếc cặp lồng giữ nhiệt hoặc có thể cắm điện, cũng mong muốn giữ được bữa cơm canh nóng hổi như tại nhà.
Có lẽ chính vì thế, hộp cặp lồng cơm cũng đa dạng và đắt hàng, như một món đồ thời trang. Tại một số siêu thị… cặp lồng cơm được bày bán nhiều hơn, với nhiều chủng loại, giá cả khác nhau, giá từ 50.000 – 100.000 đồng, cặp lồng giữ nhiệt loại tốt giá cả dao động trên dưới 400.000 đồng. Cặp lồng của các thương hiệu lớn như Philips thì giá rất đắt, rẻ nhất cũng 600.000 đồng/chiếc.
Cùng với “thời trang cặp lồng” để xách cơm đi làm, nhiều chị em còn chịu khó lùng mua cả những chiếc túi đựng cặp lồng xinh xắn để xách theo như một món đồ trang trí đặc biệt.
Không chỉ là các chị, các cô náo nức mang cơm đi làm, nhiều đấng mày râu cũng khoái ăn cơm vợ nấu hơn là dùng bữa trưa nơi hàng quán.
Anh Tiến, nhân viên của công ty TNHH cho hay, mỗi sáng, vợ anh chuẩn bị sẵn hai suất cơm để hai người mang đến công sở ăn trưa.
Anh tâm sự: “Trước đây, cũng hơi ngại ngại nhưng rồi cả phòng rất nhiều người mang cơm đi làm nên thành quen, thấy bình thường. Giờ mỗi lần vợ đi công tác, phải ăn cơm ngoài, thấy vừa mất vệ sinh vừa không thấy no”.
Những tưởng chỉ là bữa ăn bình thường, cặp lồng cơm trưa còn giúp những đức ông chồng tự hào vì tài đảm đang, gia chánh của vợ.
Với anh Long, nhà ở phố Tây Sơn, sáng nào mẹ anh cũng dậy sớm đi chợ, chuẩn bị cho anh đầy đủ đồ ăn ngon lành, trưa đến chỉ việc lấy ra ăn, chứ không phải lo chạy đi ăn như trước kia nữa.
Với các cô, các chị, cặp lồng cơm cũng là một cách kiểm soát chồng vì “nếu đã có đồ ăn trưa, cơ hội để ông ấy đi ra ngoài sẽ ít hơn, mình sẽ kiểm soát được”, phu nhân một nhân viên Công ty VNG nói.
Để chuẩn bị cho bữa trưa “giữ chồng” ấy, chị phải dậy sớm hơn một chút để chuẩn bị đồ ăn. Một bữa ăn trưa như vậy thường khá cầu kỳ với nhiều món và được bày biện khéo léo, nhất là cặp lồng cơm của các ông chồng, khi các bà vợ muốn “ghi điểm” như đã nói ở trên.
Cơm cặp lồng công sở thậm chí còn trở thành đề tài ở một số diễn đàn. Trên trang webtretho, các chị còn giúp nhau chia sẻ bí quyết chuẩn bị bữa trưa sao cho vừa ngon, vừa đủ chất lại tiết kiệm. Nhiều chị còn chụp ảnh khoe món “hàng” mà mình dành cho chồng mỗi ngày.
Nói như chị Trang, nhân viên một công ty truyền thông thì việc mang cơm đến công sở không chỉ là vấn đề ăn uống đơn thuần, mà là thú vui, thậm chí đang dần chuyển thành một văn hóa, dù đôi khi nó cũng gây ra những vấn đề nhất định khi phải dậy sớm, hoặc làm cho công sở giống như một gia đình chứ không phải là những công sở thời hiện đại…
Theo Gia đình