Đêm đã khuya chỉ còn lại vài chiếc xe thưa thớt trên đường. Cũng như mọi hôm, hắn đi dạo lang thang một mình trên vỉa hè.
Nhịp sống ở thành phố dường như đã dừng lại, không ồn áo, không còn xe cộ tấp nập.
Đi dạo vào đêm đã trở thành một thói quen không thể từ bỏ từ khi hắn vào đại học. Đi để được khuây khỏa, để được nghĩ về mọi thứ.
Bất chợt dòng suy nghĩ của hắn bị cắt ngang khi hắn nhìn thấy một vật gì đó lấp lánh phía trước, một đồng xu, mà bao nhiêu nhỉ, hắn tò mò tiến lại gần, chỉ có 200 đồng. Ai đó đã đánh rơi hay cố tình vứt bỏ? Có thể lắm, trong cuộc sống hiện tại 200 đồng dường như đã trở nên vô nghĩa, người ta thẳng tay ném nó đi.
Cuối xuống, nhặt lên hắn cho cẩn thận vào ví như vừa nhặt được một thứ gì quí giá lắm. Vài người qua đường nhìn hắn với ánh mắt khinh thường. Hắn chỉ phì cười vì họ không biết 200 đồng có ý nghĩa như thế nào.
5 tuổi nó đã vào lớp một. Sỡ dĩ như vậy vì nó ham học lắm, mỗi khi thấy hai người anh học bài, nó thường lắp bắp đánh vần theo, lại còn bắt chước viết theo nữa. Nhà nghèo, cha mẹ phải đi lam vất vả từ sáng đến tối nên không ai dạy học. Nó không được mẹ cầm tay viết như bao đứa trẻ khác. Nét chữ đầu đời là nét chữ của chính bản thân nó. Cho đến bây giờ nó vẫn tự hào về điều đó. Chữ nó viết xấu lắm, thầy cô nào cũng chê nhưng nó không bao giờ sữa đơn giản chỉ vì nó không muốn mất đi một kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ.
Rồi mẹ mua cho nó hẳn một cuốn tập và một cây bút chì để cho nó tự viết. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm, mẹ thường viết một dòng chữ trong cuốn tập. Nhiệm vụ của nó là phải viết một trang đầy những dòng chữ ấy, tối về mẹ sẽ cho điểm. Chỉ chừng ấy thôi nhưng nó rất thích. Trong tâm trí thơ dại của nó lúc đó, việc học là một điều gì đó vui lắm. 5 tuổi nhưng nó đã có thể tự đọc sách, làm những bài toán đơn giản mà không cần qua lớp mẫu giáo nào
Những ngày học lớp 1, cha nó mắc phải một căn bệnh về cột sống, không thể làm việc nặng nhọc. Gia đình vốn nghèo, lại nghèo thêm. Năm miệng ăn của gia đình chỉ trông chờ vào đôi vai bé nhỏ của mẹ nó. Có bữa gia đình phải ăn chuối luộc, ăn khoai vì nhà hết gạo. Nó rất ngoan, cha mẹ ăn gì nó ăn nấy, lại không vòi vĩnh quà như những đứa trẻ nhà giàu khác. Lại có bữa cả nhà phải ăn cháo vì chỉ còn một ít gạo không đủ thổi cơm. Nó cũng ăn rất ngon lành. Đợi cho bọn trẻ ăn xong mới đến lượt cha mẹ nó.
Mẹ nó không bao giờ khóc, nó nghĩ vậy. Trong khi cha nó đã khóc ròng vì thương vợ, thương con. Nó chỉ nhớ mang máng là mẹ nó đi buôn bán với một chiếc ghe nhỏ xíu, chiếc ghe lớn hơn nó đến mười nấy tuổi. Nhờ vào những đồng tiền lời từ việc mua bán của mẹ mà bốn bố con sống lây lất qua ngày.
Mỗi buổi sáng đi học, nó thường được cha cho một số tiền vẻn vẹn 200 đồng, đó chính là bữa ăn sáng của nó. 200 đồng 14 năm về trước, nó có thể mua một gói xôi, một củ khoai lang và nhiều thứ khác nữa, nhưng nghe theo lời mẹ dặn, nó thường mua xôi. Nó cất giữ số tiền đó cẩn thận lắm. Đến trường, nó chạy ngay đến hàng xôi. Nhưng thật không may cho nó là hôm đó trời mưa, đến lớp nó mới giật mình vì đã đánh mất tiền lúc nào không hay, thế là mất toi bữa sáng. Cuối buổi học, nó phải tự cuốc bộ đoạn đường từ trường đến nhà đầy buồn gần 1km. Cha nó bị bệnh, mẹ phải đi buôn bán, hai người anh chỉ hơn nó vài tuổi nên không ai đưa nó đi học cả. Chỉ có ngày đầu tiên nó được mẹ đưa đến tận trường, những ngày sau nó phải tự đi lấy. Nó cũng gan dạ lắm, 5 tuổi nhưng đã biết bơi nên cha mẹ cũng khỏi phải lo lắng nhiều.
Rồi cha nó cũng khỏi bệnh sau mấy tháng trời, mẹ nó cũng không phải buôn bán xa như lúc trước. Cuộc sống gia đình tuy còn vất vả nhưng cũng đủ ăn. Học hết lớp 5, cha nó phải chạy vạy khắp nơi, để cộng thêm một tuổi vào giấy khai sinh cho nó thi tốt nghiệp lớp 6.
Rồi hắn vào đại học với sự ngỡ ngàng của biết bao người, trong niềm vui và những giọt nước mắt của mẹ. Khi nhìn lại những năm tháng đã qua, chính hắn cũng không ngờ mình có thể vào đại học. Hắn thầm cảm ơn cha mẹ, cảm ơn những gi đã trải qua cũng hắn suốt những năm tháng cơ cực….
Một chiếc lá vàng khẽ rơi chạm vào vai hắn. Cuối xuống nhặt lên, hắn rảo chân bước về phía ánh sáng nơi cuối con đường.
Trần Văn Nhẫn
Xem thêm Câu chuyện 2 bát mì bò