Ngẫu nhiên trong tuần này, nổi lên nhiều câu chuyện văn chương. Có câu chuyện của trẻ em, có câu chuyện của người lớn. Nhưng nó gặp nhau ở chỗ, đều “tạc” nên cái tham, sân, si của con người.
Điều lạ, nếu như trẻ em với con mắt nhìn đời quá già dặn, về sự “đi tắt” của cha anh chúng trên hành trình danh – lợi, thì người lớn lại phát ngôn và hành động nông nổi, bồng bột, rút cục cũng… “thất bát” chỉ vì danh – lợi.
Đôi mắt trẻ và cái lưỡi… lắt léo
Đó là bài văn của em Hoàng Quỳnh Phương, nữ sinh lớp 11 tỉnh Hải Dương, bình về bài thơ “Đường tắt” của Đặng Chân Nhân, sinh năm 1993 (lúc làm bài thơ, Đặng Chân Nhân mới 15 tuổi). Bài văn của cô bé 16 tuổi bình về bài thơ của cậu bé 15 tuổi, với triết lý về cách “đi tắt” của… người lớn, có lẽ ngang ngửa nhau về độ già dặn, sắc sảo của tư duy và quan sát xã hội.
Xưa nay, trẻ em làm thơ, viết văn là chuyện thường tình. Chúng ta từng có 1 Trần Đăng Khoa được phong “thần đồng” thơ. Còn mới đây, cậu bé 11 tuổi Nguyễn Bình ra mắt độc giả với 3 tập sách (đã in) trong tổng số 8 tập của bộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” (Nhà xuất bản Trẻ và NXB Hồng Bàng), làm chấn động dư luận xã hội, tạo nên 1 “hiện tượng”, cho thấy tài năng và trí tuệ trẻ em Việt cũng rất đáng nể.
Nhưng nếu những bài thơ, bài văn của Đặng Chân Nhân, của Hoàng Quỳnh Phương lại là cái nhìn bất bình của trẻ em về lối sống, về đạo lý hành xử của người lớn, của các bậc cha chú, thì thông điệp gửi cho người đọc báo hiệu điều gì về chính trẻ em, về nền tảng văn hóa xã hội đương thời?
Đó là sự thất vọng hay sự… khinh khi?
Đường tắt và… đường dài luôn là 2 mặt đối lập của cuộc sống, là sự chọn lựa của mỗi cộng đồng cho tới mỗi cá nhân. Đương nhiên, đường tắt là sự lựa chọn khôn ngoan. Nhưng, nó chỉ có ý nghĩa xác tín và thành công, khi nó tôn trọng, hoặc dựa trên quy luật phát triển thực tiễn, dựa trên những thang bậc giá trị đích thực chính trực được thừa nhận. Nếu không, chắc chắn trước sau nó sẽ bị trả giá.
Xã hội chúng ta từng phải thay đổi, phải đổi mới cả tư duy, nhận thức và hành động, để phát triển theo quy luật thực tiễn của nhân loại.
Thế nhưng, nếu như xã hội từng phải đổi mới cả tư duy, nhận thức và hành động, thì đường tắt vẫn luôn là sự lựa chọn ranh ma và láu cá của không ít kẻ trên con đường danh – lợi, bất kể các thang bậc giá trị, bất kể các giá trị nhân phẩm. Và hệ quả của đường tắt, là… làm “quan tắt”.
Nhưng vì đường tắt luôn là con đường ngắn nhất nên tự lúc nào nó thành “con đường lớn”. Kéo theo hệ lụy của nó là những vấn nạn, như những khối u ác tính làm suy yếu cơ thể xã hội: Vấn nạn tham nhũng, hối lộ, vấn nạn bằng cấp giả, vấn nạn mua quan bán tước, vấn nạn bệnh thành tích, dối trá…
Vì sao con đường tắt – mà trong con mắt của cậu bé 15 tuổi Đặng Chân Nhân dứt khoát là con đường nhỏ, con đường sai lại thành “con đường lớn” cho rất nhiều chú, bác, anh, chị…, chen chúc nhau đi? Bởi nó là con đường “ma”, con đường “đi đêm” thuận mua vừa bán, con đường ông rút chân giò, bà thò chai rượu, mà tiếc thay ai cũng thích uống rượu, cũng thích nhậu… chân giò?
Khiến cậu bé Đặng Chân Nhân, phải lật xới lên con đường tắt, đau xót đặt câu hỏi: Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu/ Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công/ Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc/ Chúng trở nên thành công với những ý nghĩ vô học/ Liệu chúng có thể tồn tại?
Khiến cô bé Hoàng Quỳnh Phương phải nhìn bằng con mắt của 1 “thẩm phán” trước tòa án lương tâm:
Rằng những người đi đường tắt thì thường ngồi lên chức vị cao. Ngồi ở chức vị cao thì đưa ra những quyết sách quan trọng. Nhưng vì không có năng lực nên quyết sách quan trọng hay bị sai lầm. Một quyết sách sai lầm thì hậu quả nặng nề của nó cả cộng đồng phải gánh chịu… Những cái giả cứ thế lên ngôi, các giá trị cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Niềm tin cũng theo đấy đổ vỡ. Xã hội bị gặm rỗng từ bên trong.
Cậu bé 15 tuổi Đăng Chân Nhân
Đường tắt, rút cục tạo ra nhân – quả, đắng thay, nhân làm – xã hội, nhân dân gánh chịu!
Nhưng đường tắt cũng vô cùng đa dạng, nhiều khi lại nhân danh sự… tử tế!
Mới đây, dư luận ồn ào vì vụ việc ông Lương Quang Minh (nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển VN – chi nhánh khu vực Cần Thơ, Hậu Giang) “biếu” đại úy công an Trương Hoài Phú, Phó đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra án kinh tế Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Cần Thơ, 100 triệu đồng.
Chuyện vỡ lở, do đại úy Trương Hoài Phú báo cáo lãnh đạo và bàn giao số tiền cho cơ quan điều tra.
Đáng chú ý, đại úy Phú đang trực tiếp điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH An Khang, đóng tại Khu công nghiệp Trà Nóc.
Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Khu vực Cần Thơ – Hậu Giang có dấu hiệu sai phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng
Vậy nhưng có ai, thần kinh bình thường, tin được không, phát ngôn ấn tượng của ông Lương Quang Minh: Thấy anh em vất vả điều tra… nhưng rủ Phú nhậu mà không được, nên biếu quà bằng tiền cá nhân để anh em tự đi nhậu chứ không nhờ giúp chuyện gì.
Không nhờ giúp chuyện gì! Hay đó mới là cách nhờ giúp thật cao tay? Một cách “đi tắt” theo kiểu im lặng là… tiền bạc? Bởi 100 triệu đồng không phải là 1 khoản tiền nhỏ. Có lòng tốt nào “vô tư” đến độ ấy? Chỉ biết cổ nhân có câu lưỡi không xương lắm đường lắt léo. Đố sai!
Nhưng tin chắc, số đông trong dư luận xã hội không hề tin vào lòng tốt “thương người” của ông Lương Quang Minh, dù ông chưa bị pháp luật xử lý nghiêm khắc và thích đáng.
Chợt nhớ tới câu hỏi nhức nhối của cậu bé 15 tuổi Đặng Chân Nhân: Liệu chúng có thể tồn tại? Hỏi cũng có thể là đã trả lời!
Đôi mắt già và cái lưỡi… nông nổi
Câu chuyện cái lưỡi… lắt léo còn chưa lắng xuống, mới đây, xã hội bỗng dậy sóng đàm tiếu bởi 1 câu chuyện văn chương mang đậm tính… hoang đường.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện này – GSTS Hoàng Quang Thuận (Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông – Trung tâm KHTN và CNQG, hiện sống và làm việc tại TP.HCM), tác giả của 2 cuốn Hoa Lư thi tập, và Thi vân Yên Tử.
Khi ông “lên báo” cho rằng, đó không phải thơ ông. Mà là của chính các bậc “tiền nhân” – đã mượn bút của ông để viết nên. Trước đó, Thi vân Yên Tử đã được trao giải “kỷ lục châu Á”, còn Hoa Lư thi tậpđang được ông Hoàng Quang Thuận làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là… di sản ký ức nhân loại.
Phủ lên tập thơ Thi vân Yên Tử là những câu chuyện kỳ bí… nửa trần nửa tiên, nửa hư nửa thực. Những câu chuyện kiểu như Truyền kỳ mạn lục (của Nguyễn Dữ, thế kỷ XVI), lại như Liêu trai chí dị (của Bồ Tùng Linh, nhà văn Trung Quốc, cuối thế kỷ XVII) nhưng xảy ra giữa thế kỷ XXI, và được chính tác giả kể lại.
Đó là chuyện ông gặp và mua 1 con rắn hổ chúa có cái mào đỏ chót, do 1 thanh niên người dân tộc bắt được, tại gốc cây sứ cổ thụ 700 năm tuổi, sát cạnh mắt rồng của khu lăng mộ tổ vua Trần, được một nhà sư đặt tên Kim Xà. Khi được ông phóng sinh, Kim Xà còn ngóc cao đầu hơn 1 mét, gật gật đầu 3 lần bái biệt, rồi mới chịu trườn vào rừng thiêng Yên Tử.
Đó là chuyện ông và nhà thơ Dương Kỳ Anh về “cầu thơ” tại Tràng An – Bái Đính. Thuyền qua Đền Trình, bỗng gặp con chim phượng hoàng tuyệt đẹp cánh trắng, mỏ vàng bay lướt qua. Cũng là khi ấy, thân thể ông như đột nhiên bị chìm vào 1 không gian trầm mặc, trang nghiêm và huyền ảo của mấy nghìn năm trước.
Nhưng đặc biệt nhất, lạ lùng nhất là câu chuyện làm thơ như “nhập đồng” của ông.
Ông và nhà thơ Dương Kỳ Anh cùng ký tên thỏa thuận vào 141 trang giấy trắng để thi… làm thơ, sau khi làm lễ tại Đền Trần. Đêm khuya ấy, lúc 12 giờ ông bỗng thấy như có luồng gió lạnh thổi qua, bèn lấy 1 tấm chăn choàng lên người và ngồi vào bàn viết.
Rồi ông mải mê viết như “nhập đồng”, như có “tiền nhân” nhập hồn mách bảo. Giật mình choàng tỉnh đã 4 giờ sáng, ông không tin được vào mắt mình – 121 bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt Đường luật. Trong khi nhà thơ Dương Kỳ Anh cả đêm chỉ làm được vỏn vẹn… 4 câu.
Đó là những chuyện ông kể, và các báo đã viết tỉ mỉ. Người viết bài này chỉ muốn nhấn mạnh cái hoàn cảnh, cái không gian tiên ảo đã ra đời của tập thơ.
Và không biết sức mạnh của Thi vân Yên Tử được thẩm định đến thế nào, nhưng mới đây, Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn) đã tổ chức hẳn 1 hội thảo về thơ ông, “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử”, với 21 tham luận ngợi ca, và những lời khen có cánh của rất nhiều nhà thơ, nhà phê bình trong giới.
Xin trích dẫn: “Thơ Hoàng Quang Thuận là nghệ thuật cao nhất của thơ ca”.
“Đối với Hoàng Quang Thuận, không có ma quỷ nào đưa lối dẫn đường cả, mà chỉ có thần, phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm đệ tử trung thành nơi cửa thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về”.
“Những câu thơ hay đến lạnh người”…
“Thi vân Yên Tử tập hợp những vần thơ vừa thanh tao, tĩnh lặng, vừa huyền diệu, xa vắng, mang nhiều hàm ý sâu xa, lại gần gũi với đời thường dễ dàng thấm sâu vào lòng người”.
Nhưng khi cánh thơ phù vân Yên Tử bay lên, thì cũng có những cánh cung phê bình đắc địa… bay theo. Rút cục, những gì không phải “thơ thiền” đích thực, không phải là thi ca đích thực rớt xuống… bẽ bàng
Đó là khi nhà phê bình – Cây búa Nguyễn Hòa thẳng thắn: Nếu thực sự “tiền nhân mượn bút” của Hoàng Quang Thuận để “viết thơ” thì xem ra thơ của “tiền nhân” đã sa sút đến mức thê thảm…
Với các bài thơ chưa đúng niêm luật, lại sáng tác từ cuối thế kỷ XX đến nay mà được gọi là “nghệ thuật Đường thi trác việt” thì đúng là… hết thuốc chữa!
… Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc…, là bài thơ sẽ có “chất thiền”. Xin hãy hiểu rành rẽ về Thiền và thơ Thiền rồi hãy viết, kẻo lại rơi vào cảnh ngộ “vẽ rắn thêm chân”!
Và ngày 14/8 trên Tuần Việt Nam, người đọc kinh ngạc và sững sờ khi đọc bài viết của Luật sư Nguyễn Minh Tâm, 1 người bạn của ông Hoàng Quang Thuận, đồng thời cũng là 1 Phật tử.
Bài viết phát hiện ra rằng, rất nhiều bài “thơ thiền” của ông Hoàng Quang Thuận chỉ là sự… sao chép lại những gì mà ông Trần Trương, Trưởng Ban Quản lý Yên Tử (1992- 2003) viết trong cuốn “Chùa Yên Tử, Lịch sử – Truyền thuyết di tích và Danh thắng”.
Hai tập thơ của nhà thơ Hoàng Quang Thuận
Với những minh chứng, mà càng đọc càng thấy xấu hổ, vì sự sao chép nhân danh… tài thơ
Điều bất ngờ, mới đây, ông Trần Trương lại lên tiếng nhỏ nhẹ “thanh minh thanh nga”, rằng Hoàng Quang Thuận không hề sao chép tài liệu của ông. Đến lượt dư luận nghi vấn luôn cả… ông Trần Trương. Vì sao? Vì lòng tốt bạn bè? Vì ông cũng bị “nhập đồng”? Hay vì cái gì khác nữa?
Khi câu chuyện sao chép vỡ lở, khiến nhà thơ, “nhà khen thơ” nhìn nhau đâm ra… sượng sùng, người đọc có quyền đặt câu hỏi:
Vì sao, là người nghiên cứu khoa học, cái nghề đòi hỏi sự tỉnh táo, tĩnh trí, và tư duy logic thì cho dù, câu chuyện huyền bí xung quanh tập thơ Thi vân Yên Tử mà ông chứng kiến có là thật, nó cũng chỉ nên dừng ở mức “trà dư tửu hậu” chốn bạn bè.
Không thể là loại truyện Truyền kỳ mạn lục, hay Liêu trai chí dị thời mới đem ra công bố giữa văn minh của IT, chắc chắn sẽ chỉ chuốc lấy những đàm tiếu, hoài nghi. Hay chính vì ông thích… nổ?
Vì sao, Hoàng Quang Thuận “nhập đồng” làm thơ đã đành, lại còn kéo theo cả các nhà thơ chuyên nghiệp, nhà phê bình chuyên nghiệp và cả hội làm nghề chuyên nghiệp… “lên đồng” chẳng kém ông, ca tụng hết lời?
Đến nỗi, có người đã trích dẫn cả nhà tâm thần học Gustave Le Bon, để nghi vấn hiện tượng đám đông ca ngợi, tụng xưng một việc làm vô lí cũng được tâm thần học và tâm lí học giải thích bằng hiện tượng “tâm lí đám đông”.
Bây giờ, thơ ông “rớt giá” thê thảm, thì chẳng ai lên tiếng bênh vực. Hay vô tình họ làm cái việc mà thiên hạ vẫn mỉm cười bảo: Khen cho nó chết!
Chả trách, 1 người bạn thân của ông kể cho người viết bài này, rằng họ luôn phải “hạ nhiệt” Hoàng Quang Thuận. Vì ông thường tự khen mình, và hỏi bạn bè rằng: Công nhận tôi tài không?
Cái sự “háo danh” đến mức ảo tưởng, huyễn hoặc ghê gớm đã khiến bạn bè ông từng “diễu”: Ông vừa ở kho… thuốc nổ ra? Và với tính cách thích nổ, thì câu chuyện xung quanh thơ Hoàng Quang Thuận là nhất quán. “Kho thuốc” Hoàng Quang Thuận nổ, ông sẽ phải là người chịu thiệt hại đầu tiên!
Những tai tiếng, những đàm tiếu xung quanh thơ Hoàng Quang Thuận, là cái “giá đắt” ông phải trả cho sự nông nổi, chỉ vì 2 chữ danh – lợi tai quái. Dù thực sự, ông cũng là người biết làm thơ, hay làm thơ, thích làm thơ. Và cũng có những bài thơ hay…
Có điều, ông si mê nàng Thơ. Nhưng nàng Thơ… chưa thực yêu ông. Ông muốn đạt tới “ngộ” (giác ngộ), nhưng có lẽ tục lụy còn quá nhiều, tham, sân, si còn quá lớn, nên… mới ngộ nhận chăng?
Cũng cần làm sáng tỏ thêm 1 điều, Hoàng Quang Thuận cho biết ông không hề gửi bất cứ tập thơ nào đi dự giải Nobel văn chương, mà do những người dịch và giới thiệu tác phẩm làm điều đó. Ở đây, tập Thi vân Yên Tử do GS-TS Nguyễn Đình Tuyến dịch sang tiếng Anh và chính ông Tuyến gửi đi dự giải này.
Trộm nghĩ, dự thi giải Nobel là quyền tự do của cá nhân có tác phẩm văn chương, thi ca, đâu phải đặc quyền của riêng ai. Nhưng khổ nỗi, Nobel có chấp nhận được 1 tác phẩm đang mang tiếng là… sao chép không? Nếu sống dậy, liệu Nobel có nổi đóa vì cái tính háo danh của con người đã làm tên tuổi ông bị tổn thương, bị bẽ bàng không?
Chỉ ngạc nhiên. Những đôi mắt trẻ em viết thơ, làm văn đời này, sao nhìn già dặn, sâu sắc và chua chát? Còn những đôi mắt già của các nhà thơ chuyên nghiệp, các nhà thẩm thơ, khen thơ chuyên nghiệp, lại bồng bột và nông nổi, hời hợt đến thế?
Đáng mừng hay đáng buồn cho văn chương nước Việt đây?
Theo Tuanvietnam