Không biết tự bao giờ, trong tôi mưa phùn trở thành một nét duyên mà những ngày giáp tết, thiếu nó như thiếu một thứ gì đó vừa lạ vừa quen.
Rét và mưa phùn trong những ngày tháng chạp luôn làm mẹ nao lòng. Bà thường than thở rằng trời đất buồn chi lạ. Cứ sợ rét quá vạt cải mới xuống giống không lên nổi, còn mưa cứ lùn phùn ngày qua ngày sợ áo quần phơi không khô, củi ướt nhen không cháy… Riêng tôi thì lại khoái mưa phùn, cứ xem nó như một đặc sản của đất trời vậy.
Mưa trắng trời một màu bàng bạc. Mẹ trong chiếc áo tơi vừa đi vừa chạy như trốn cái rét cắt da mỗi lần đi chợ về. Ba thì luôn uống một chén nước chè nóng rồi quàng vội chiếc áo mưa chèo thuyền ra sông đánh cá. Anh hai đi học về ném cặp sách chạy xuống bên bếp lửa ngồi cạnh tôi. Hai bàn tay tím ngắt vì mưa lạnh. Tôi thường được mẹ cho một đặc ân là ngồi trông bếp lửa, hết củi cứ cho thêm, cơm khô thì bớt lửa, nước cạn thì chêm vào. Không còn gì sướng bằng những lúc ngoài trời mưa lay lắt như vậy mà ngồi bên bếp lửa, giơ hai bàn tay lạnh cóng hơ bên bếp rồi đặt vào má, vào dái tai mà hít hà.
Cứ nghe trời rét, cô giáo thông báo cho học sinh nghỉ học là mừng như tết. Nghỉ học được ngồi bên bếp lửa cả ngày. Lúc chán thì kiếm củ khoai ném vào nướng. Còn không thì qua nhà thằng bạn hàng xóm, gọi mấy đứa cùng nhau chơi trốn tìm theo kiểu trùm mền. Nằm trong mền ấm và thú vị khi có đứa sờ vào đầu mình và đoán: “Đây là cái đầu cá chai của thằng Hỏn. Mà không, thằng Hỏn người nó nhỏ thó, làm gì có cái đầu như vậy…”. Còn mình thì cười rúc rích, cố phì ra tiếng nắc nẻ thật nhỏ để khỏi bị nó phát hiện. Và vui sướng khi nó đoán nhầm. Tôi tên Hỏn là do mẹ đẻ tôi ra vừa nhỏ, vừa đỏ hỏn như cục thịt vậy, nên khi bà ngoại khi nhìn thấy liền gọi là Hỏn. Từ đó cái tên Hỏn theo tôi đến lúc vào đại học.
Nghỉ học là vui lắm, vì ngoài việc được chơi các trò chơi chạy trốn cái lạnh còn trốn được con đường làng trơn trượt dính đầy đất đỏ. Mỗi sáng đi học từ nhà đến trường là đôi dép biến thành đôi giày vì bị đất đỏ bám vào nặng trịch. Con đường đỏ hai bên mép xanh xanh cỏ dù ngắn nhưng trở thành dài lê thê mỗi khi đi học về bụng đói, cái áo mẹ mua không đủ ấm cứ phong phanh dưới mùa đông rét mướt. Thi thoảng đường về gặp một đàn trâu đói cỏ, cái lạnh khiến nó gầy như xác lá khô. Người mục đồng quất roi vào tấm lưng ướt át của bầy trâu mà rằng: “Lạnh quá, không làm ăn gì được. Tội cho bầy trâu, vừa lạnh vừa thiếu ăn”.
Những ao nước động bên đường lăn tăn sóng khi mưa phùn rơi nhè nhẹ trông vui mắt, gió rít từng cơn làm những bụi tre già cựa vào nhau kêu ken két. Những thân xoan trơ lá, gầy gò đang nhú những mầm xuân đầu tiền cho một mùa kết hoa. Tôi chợt nhận ra rằng, mưa phùn như một tính nết” của ông trời trước thời khắc lập xuân, chuyển sang năm mới. Có lẽ ông cũng buồn buồn cho những gì sắp đến rồi đi, rồi tàn phai theo ngày tháng.
Lại một mùa hoa cải, một mùa mưa phùn rơi rắc đang đến. Bếp lửa của căn nhà xưa không còn. Con đường làng đất đỏ trơn trượt giờ đã bê tông hóa. Những hàng xoan cuối cùng cũng bị đốn hạ thay vào những cây khác. Làng xưa đã đổi thay nhưng sao mưa phùn mùa xuân vẫn thế?
Đi trên con đường quê dưới mưa phùn. Có ai chào mình bằng câu: “Sao không đội nón vào. Ướt hết cả tóc rồi chú ơi”. Ngày xưa mưa phùn cứ bay đâu có ướt…
Theo dantri