Hoàn thành và hoàn hảo
Có một sự khác biệt lớn giữa việc hoàn thành và thực hiện hoàn hảo một công việc. Quá cầu toàn nhiều khi không giúp chúng ta hoàn thành việc gì đó.
Một sản phẩm cuối cùng không hẳn là kết quả tốt nhất, tuy nhiên, một dự án/ kế hoạch cần phải được hoàn thành.
Một kịch bản phim tầm thường mà có mở đầu và kết thúc vẫn có thể được dàn dựng thành một bộ phim. Nhưng một bản thảo hay ho cỡ nào nếu không hoàn thiện thì cũng chỉ là bản thảo vô giá trị.
Hoàn thành mang lại kết quả. Cầu toàn có thể gây nên sự trì hoãn kết quả.
Cầu toàn và cải tiến
Cầu toàn thiếu hành động không phải là cải tiến. Trên thực tế, cải tiến được tiến hành sau khi dự án được thông báo là đã hoàn thành. Một cuốn sách có thể được điều chỉnh ở những lần tái bản tiếp theo. Một website có thể được cập nhật, hoàn thiện dần sau khi khởi động.
Có những bài viết vì cứ cầu toàn nên mãi dang dở và không ai biết đến. Bài viết của tôi mặc dù chưa thực sự hoàn hảo, nhưng tôi luôn định hướng phải liên tục cải tiến những gì mình viết từ ý kiến độc giả. Với những bài mình đã đăng tải cho độc giả, tôi tin rằng mình đang chia sẻ những giá trị cho người đọc và vì thế website không ngừng tăng lượng truy cập. Chỉ cần kết quả là tôi xuất bản bài viết và liên tục cải tiến bản thân, dần dần tôi sẽ hoàn thiện mình.
Tiêu chuẩn của sự hoàn thành
Bất cứ làm gì người ta cũng đưa ra những chỉ tiêu để đánh giá, vậy làm thế nào để đánh giá bạn hoàn thành một công việc/ một dự án/ một kế hoạch…?
Những tiêu chuẩn quá cao và không thực tế khiến bạn cảm thấy khó mà hoàn thành được?
Một anh chàng có nhiệm vụ soạn thảo bản kế hoạch marketing sản phẩm. Anh chỉnh đi chỉnh lại nhưng vẫn không giao đúng hẹn. Hỏi ra, mới biết anh ta muốn bản kế hoạch thật hoàn hảo, nên cứ mò mẫm mãi mà không muốn cho người khác xem. Kết quả là anh thường xuyên trì hoãn trình bày bản kế hoạch đúng hẹn. Anh chàng trên đây sử dụng đã xem hoàn hảo là cái cớ cho việc sợ thất bại, sợ người khác đánh giá kết quả sản phẩm nên cứ ấp ủ, mà không đưa ra kết quả cuối cùng.
Những tiêu chuẩn ảo
Một tiêu chuẩn ảo là tiêu chuẩn đánh lừa cảm giác rằng bạn đang tạo ra một sản phẩm có giá trị nhưng rồi bạn không đảm bảo sản phẩm ra đời đúng hạn.
Một lý do mọi người thường gán tiêu chuẩn ảo cho mình là họ sợ đối diện với sản phẩm cuối cùng trong công việc.
Đó có thể là lý do người ta sợ làm cái gì đó không hoàn hảo. Người ta cứ nghĩ rằng “tui đang làm mà” và tưởng tượng kết quả hoàn thành sẽ là màu hồng.
Sự thật là khi một sản phẩm chuyển vào tay người khác, chẳng bao giờ nhận được lời khen ngợi và đón nhận 100%. Người ta luôn nhìn ra thiếu sót.
Nếu bạn phát hành một bộ phim, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều khen chê lẫn lộn, người ta sẽ chỉ trích nó. Nếu bạn xuất bản một cuốn sách, người ta sẽ chê bai nó. Nếu bạn phát triển một website, nhiều người sẽ không thích nó. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người hoàn thành công việc và sử dụng “hoàn hảo làm cái cớ” là họ dám đưa ra ý kiến, dần cải thiện bản thân
Chấp nhận kết quả của việc hoàn thành
Nếu bạn mong là khi bạn hoàn thành một công việc, tất cả mọi người đều ủng hộ nghĩa là bạn đang có tư duy cầu toàn sai lệch rồi đấy và nó sẽ khiến bạn trì hoãn kết quả. Thực tế thì bao giờ một kết quả cũng bao gồm những điều tốt lẫn cần cải thiện.
Đón nhận những khía cạnh tiêu cực của thành công
Khi bạn có cái nhìn thực tế hơn về thành công, bạn sẽ dễ hoàn thành các công việc mình đưa ra. Cầu toàn sẽ ít là vấn đề nếu bạn chấp nhận những hạn chế đi kèm với những lợi ích mang lại. Nếu sự cầu toàn song hành với niềm đam mê và chấp nhận phát triển là một quá trình cải tiến liên tục thì nó sẽ mang lại thành công.
Steve Job là một trong những hiện thân của người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Trong mỗi việc ông làm, không thuần túy là chủ nghĩa cầu toàn mà hơn thế, đó là niềm khát khao mưu cầu sự xuất sắc. Những sản phẩm công nghệ ông tung ra thị trường đều là những sản phẩm đột phá. Ông không ngừng học hỏi, đổi mới liên tục những sản phảm. Đó là lý do tại sao những người đam mê công nghệ luôn hồi hộp chờ đợi để rinh về sản phẩm Apple thế hệ mới ngay từ khi nó ra mắt.
Điều bạn phải làm là có cái nhìn khôi hài về những mặt trái và không cần phải quá căng thẳng, tạo áp lực cho bản thân. Nếu bạn chấp nhận nó, bạn có thể thoải mái và đón nhận niềm vui của công việc mà không trì hoãn hay căng thẳng.
Yêu thích những gì mình đã hoàn thành
Bất cứ khi nào vượt qua thử thách và hoàn thành, kết quả sẽ không bao giờ hoàn hảo. Bạn luôn phải nhìn lại mình và cố gắng hơn. Nhưng hãy tận hưởng niềm vui của kết quả đạt được.
Kết quả sẽ không bao giờ hoàn hảo nhưng một kết quả cũng đã tốt hơn nhiều so với việc chẳng có kết quả nào.
Thành công là không ngừng phát triển bản thân, là nâng mình lên một nấc thang cao hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng phương châm hoàn hảo để làm cớ cho việc sợ thất bại của mình thì nó làm bạn dậm chân tại chỗ và không mang lại giá trị cho công việc. Hãy tận hưởng những kết quả mình làm ra và nỗ lực nhiều hơn!
Xem thêm bài viết Thiết lập mục tiêu để thành công