Khi cậu con thứ hai lên 2 tuổi, vợ chồng chị An Hạ (Biên Hòa, Đồng Nai) luôn trở thành trọng tài bất đắc dĩ để phân xử những trận chiến xảy ra như cơm bữa giữa hai đứa con cách nhau 3 tuổi.
Nhiều buổi tối chuẩn bị bữa ăn, chị An Hạ vừa như muốn nổ tung đầu vì những lời mách tội không ngừng của con. Trong khi thằng anh la toáng: “Mẹ ơi! Em Bin cầm đồ chơi đánh vào người con”, thì cậu em cũng không vừa: “Mẹ đánh anh Hai đi, anh ấy quát con, không cho con chơi”. Thằng em sụt sịt, nước mắt ngắn dài, thằng anh giận dữ mặt đỏ gay, chờ mẹ phân xử.
Chị An Hạ cũng như chồng, thường quay sang mắng cậu cả: “Con là anh, phải biết nhường nhịn em chứ. Cu Bin còn nhỏ, con phải hướng dẫn em chơi, không được mắng em nghe chưa!”. Cuộc chiến kết thúc, thằng em bao giờ cũng hả hê vì phần thắng luôn về nó, còn cậu anh thì ấm ức, hậm hực vì lúc nào cũng bị bố mẹ mắng, dù đúng cũng như sai. Nhiều lần lặp lại như thế, chị An Hạ phải gọi điện đến các chuyên gia tâm lý xin tư vấn về cách giáo dục để các con chị biết yêu thương, không xích mích với nhau nữa.
Tình cảnh như nhà chị An Hạ không phải là hiếm. Hầu hết các gia đình đều bênh vực đứa nhỏ khi có cuộc chiến xảy ra, rất ít bậc phụ huynh tìm hiểu kỹ nguyên nhân xung đột giữa hai đứa trẻ. Nhưng cách xử lý tình huống như thế sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tất cả các con trong nhà. Các con sẽ không tâm phục bố mẹ, khi lớn lên, chúng tự xử lý với nhau. Thậm chỉ làm nảy sinh tâm lý anh có ác cảm với em. Còn ở đứa nhỏ lại hình thành tâm lý xem thường anh. Vì thế, khi con trẻ mâu thuẫn, bố mẹ phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân, phân xử công bằng.
Để tránh mâu thuẫn nhỏ dồn lại hậu quả lớn, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
1. Không đổ oan, kết tội:
Trường hợp của vợ chồng chị An Hạ, nếu cha mẹ cứ luôn đối xử thiên vị như vậy đương nhiên nảy sinh tâm lý ghen ghét, tỵ nạnh giữa hai anh em, thậm chí còn ảnh hưởng lâu dài về sau. Người anh sẽ ít biết cảm thông chia sẻ với chính em ruột mình, đồng thời nếu bé gặp thất bại trong việc gì, nó thường sẽ đổ lỗi cho cha mẹ vì bản thân luôn bị thiệt thòi khi phân xử từ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ không nên kết tội con khi chưa biết rõ nguyên nhân, tránh để trẻ lớn lúc nào cũng cảm thấy oan ức.
2. Tránh đặt các con vào tình huống khiến chúng tị nạnh, gây gổ:
Nếu các con gần bằng tuổi nhau, khi mua đồ chơi hay các vật dụng cho trẻ, phụ huynh cần mua các món đồ tương đương nhau, hoặc là khác nhau nhưng phải hướng dẫn để chúng chơi chung. Cha mẹ nên chỉ rõ đồ chơi nào cũng hấp dẫn, kích thích con trẻ khám phá thế giới đồ vật mà chúng yêu thích. Khi các con tranh giành, cha mẹ phải bình tĩnh, không nên vì quá bực mình mà phạt cả hai bé. Đồng thời phải kiên nhẫn để phân xử đúng, không phạt oan cho các con, dạy con biết cách thương lượng. Nhiều lần xử lý như thế, các con sẽ biết nhường nhịn và quan tâm nhau hơn.
3. Dạy trẻ biết yêu thương từ những việc làm cụ thể:
Cha mẹ phải biết tạo cho đứa lớn tâm lý háo hức chờ đón chăm sóc, che chở em bé từ khi đang còn trong bụng mẹ. Khi em bé còn nhỏ, phụ huynh hãy khéo léo nhờ đứa lớn một số việc như: hát ru em ngủ, chơi đùa với em, cùng mẹ cho em ăn, dỗ dành khi em khóc, … Đứa lớn sẽ rất tự hào với vai trò là người anh, người chị trong nhà, luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm lớn lao của mình mà không gây gổ với em nữa. Như vậy, ngay từ những năm đầu đời trẻ đã hình thành được trách nhiệm với thành viên trong gia đình. Lúc đầu có thể là thói quen nhưng được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn trẻ sẽ hình thành tính tự giác và biết quan tâm, yêu thương.
4. Khen ngợi khi các con hòa thuận, tránh nuông chiều quá mức:
Cha mẹ hãy khéo léo động viên, khích lệ khi các con vui đùa, nhường nhịn nhau. Được cha mẹ khen các con luôn cố gắng để ngoan hơn. Dần dần trẻ sẽ có thói quen sống nhường nhịn, yêu thương, chia sẻ với mọi người.
Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng không nên chiều chuộng con quá mức, hãy yêu thương nhưng không nhu nhược. Trong trường hợp của chị An Hạ cũng là một biểu hiện của sự nuông chiều đứa con thứ hai. Không phải bao giờ dành hết yêu thương cho con đều được đáp lại như thế. Bởi tình yêu thương không tự nhiên mà có, cũng phải khổ luyện học hành mới nên. Nhiều em nhỏ chỉ biết nhận tình yêu thương của mọi người dành cho mình mà không biết cho đi, chia sẻ những tình cảm đó. Dần dần, chúng nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ chỉ biết đòi hỏi, không biết quan tâm, chăm sóc người khác. Như vậy là cha mẹ vô tình hại con.
5. Cả nhà cùng vui:
Cha mẹ hãy tranh thủ thời gian cùng các con chơi đùa, qua đó, dạy con biết cách chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn. Cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt về yêu thương và hòa thuận để các con noi theo. Bầu không khí gia đình ấm áp sẽ giúp bé thấy được ý nghĩa cao quý của tình thân.
Nguồn vnExpress- Dakota