Đối với các doanh nhân thành đạt, để lại cho con cái một gia sản đủ xài là chuyện dễ, cái khó là làm sao truyền cho các quý tử hệ giá trị và những lề lối giúp chúng xây dựng cuộc sống viên mãn và lương thiện.
Học cách xây dựng cuộc sống ngay từ khi còn là trẻ con
Khi mới 12 tuổi, Christabel Lee dành dụm được 90 đô la để mua một chiếc xe đạp, chẳng may cô bé bị mất ví, mất luôn số tiền tiết kiệm. Lee đã xin một chiếc xe đạp mới nhưng cha mẹ cô từ chối.
Không phải vì họ nghèo – cha Lee là phó chủ tịch một tập đoàn lớn ở Hongkong. Năm nay đã 36 tuổi, là giám đốc một công ty in, bà Lee vẫn khóc mỗi khi nhớ lại “nỗi bất công” hồi nhỏ. Nhưng bây giờ bà nhận ra mình đã học được một bài học quý từ sự kiện ấy: tiền bạc không tự dưng mà có.
“Khi chúng tôi còn bé, cha tôi áp đặt một kỷ luật nghiêm khắc về tiền bạc; buộc chúng tôi phải lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cho cuộc sống vì sẽ không ai giúp chúng tôi mỗi khi khốn khó” bà Lee nói.
Kinh nghiệm của bà Lee phản ánh một thắc mắc chung của các bậc cha mẹ giàu có: làm sao dạy cho con cái quan niệm đúng về tiền bạc khi chúng lớn lên trong cảnh sung túc? Vấn đề không phải là kỹ năng quản lý tài chính, vốn đã có nhiều sách vở bàn tới, vấn đề là làm thế nào để không chỉ truyền lại cho con cái một gia sản kếch sù mà phải để lại một hệ thống giá trị, một đạo đức làm việc mà các bậc phụ huynh đã dựa vào để gây dựng cơ nghiệp.
Thayer Willis, tác giả cuốn sách “Mặt tối của tài sản”, tâm sự: “Nhiều gia đình giàu có không biết gì về việc nuôi dạy con cái trong cảnh giàu sang”. Bản thân bà Willis là con một gia đình tỷ phú, lúc nhỏ là một “cô bé hư hỏng”. Lớn lên, bà dễ dàng bỏ việc mỗi khi gặp chuyện không vừa ý và tiêu pha không tiếc tiền.
Mãi sau này bà mới nhận ra đấy không phải là con đường dẫn tới một cuộc sống mơ ước. “Người ngoài thường nghĩ, khi dư thừa tiền bạc chúng tôi sẽ có cuộc sống dễ dàng và hạnh phúc. Nhưng không ai trong chúng tôi sống có ý nghĩa; tôi muốn nói tới việc gây dựng một cuộc đời đáng sống”, bà Willis viết.
Tất nhiên không phải mọi cậu ấm, cô chiêu đều lớn lên thành những kẻ hư hỏng, cũng như không phải mọi đứa trẻ nghèo đều thành công trong đời, song văn chương và báo chí đã viết quá nhiều chuyện buồn về những cậu ấm trở thành kẻ vị kỷ, đã nêu không ít trường hợp những đứa trẻ được nuông chiều quá đáng lớn lên thành những kẻ thiếu độc lập, thiếu tự tin và khát vọng vươn lên, thiếu cả tính nhẫn nại và tinh thần doanh nhân đã từng giúp cha mẹ chúng thành công.
Tục ngữ dân gian có nói “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời” – ám chỉ tài sản tích cóp của gia đình sẽ bị tiêu tán bởi con cháu thế hệ thứ ba – những người ít quan tâm tới tiền bạc mà họ có được vì không phải đổ mồ hôi nước mắt. Ngay cả những người giàu nứt đố đổ vách cũng khó tránh khỏi nỗi ám ảnh đó.
Lakshmi Mittal – tỷ phú ấn Độ, ông chủ của tập đoàn thép lớn nhất thế giới Arcelor-Mittal, từng nói thẳng: “Tiền bạc là lời nguyền rủa”, và tỏ ý lo rằng sự giàu có cùng cực của ông sẽ làm hỏng mấy đứa con nhỏ. Người sáng lập Microsoft và cũng là người giàu nhất thế giới, Bill Gates, đã quyết định tặng phần lớn gia sản 58 tỉ đô la của mình cho quỹ từ thiện chứ không truyền lại cho ba đứa con.
Theo bà Willis, tiền không phải là vấn đề, vấn đề là lối sống buông thả, được nuông chiều mà thiếu kiểm soát của trẻ con trong các gia đình giàu có khiến chúng trở nên kiêu ngạo, coi trời bằng vung và ít chịu ràng buộc. Con cái nhà giàu thường có người hầu cận, người giúp việc, lái xe… thậm chí có cận vệ riêng và những người này làm hết mọi việc, giải quyết mọi vấn đề. “Một số phụ huynh còn dùng tiền bạc hoặc thế lực để san bằng mọi chướng ngại trên con đường mà các quý tử sẽ đi. Tuy vậy, va chạm với những chướng ngại là cách tốt nhất để học về cuộc đời”, bà Willis nói.
Trong các gia đình có tài sản vô hạn, cái khó là đặt ra được giới hạn cho con cái, để chúng hiểu rằng tiền bạc là thứ phải làm ra và phải làm chủ chứ không phải là thứ trời cho để mặc sức phung phí. Một trong các bước đầu tiên mà phụ huynh phải thực hiện là thiết lập một khoản trợ cấp cho con khi chúng bắt đầu đi học.
Đặt ra giới hạn trợ cấp là nhằm giúp con cái học cách lập ngân sách, hoạch định chi tiêu và biết kìm nén những nhu cầu xa xỉ. Khi con vào trường trung học, cần cho chúng biết ý niệm “nợ nần” bằng cách cho chúng xài thẻ tín dụng (credit card); nhưng hãy bắt đầu bằng việc “tập lái”: trước tiên hãy cho chúng dùng thẻ thanh toán (debit-card) hoặc thẻ tín dụng có hạn mức thấp. Đó là kinh nghiệm của bà Eileen Gallo, tác giả sách “Những đứa trẻ ăn muỗng bạc: làm sao nuôi dạy con cái có trách nhiệm”.
Cho trẻ tham gia làm việc kiếm tiền cũng là một cách rèn luyện sự tôn trọng đối với lao động. Harry Elgood, sinh viên ở Anh, con của một tỷ phú nhưng đã làm người pha chế rượu ở quán bar từ khi 18 tuổi, tâm sự. “Với mức lương 5 bảng Anh mỗi giờ, tôi thấy tiền bạc quả không dễ kiếm”.
Trong lúc nhiều phụ huynh muốn con cái nối nghiệp bằng cách đưa chúng vào làm việc trong các công ty gia đình do mình lãnh đạo thì bà Eileen Gallo lại khuyên nên khuyến khích chúng tìm việc ở nơi khác, ít ra là trong bước đầu sự nghiệp, để chúng không nhận được sự ưu đãi hay trọng vọng của đồng nghiệp. “Có một ông chủ, là thành viên của một tập thể, phải làm việc hết sức… đó là những kỹ năng mà bọn trẻ phải rèn luyện trong công việc”, bà Eileen nói.
Bà Willis nhấn mạnh rằng trẻ con cần trải qua cuộc sống của những người kém may mắn để bồi đắp lòng nhân ái. Bà khuyên cha mẹ tìm cơ hội cho con làm việc thiện và cho chúng thấy kết quả việc làm của chúng. Giúp đỡ người khác là một công cụ mạnh mẽ dạy cho trẻ con đức hy sinh và thoát khỏi sự cám dỗ thông thường của tiền bạc.
Trẻ con học tập rất nhiều khi quan sát hành vi của cha mẹ, cho nên phụ huynh phải nêu gương tốt. Carl Tancaktion, con của nhà sáng lập tập đoàn nhà hàng Jollibee của Philippines, nói rằng anh là người sống thanh đạm, không phải vì cha mẹ anh thuyết giảng về tiền bạc mà vì bản thân họ sống rất tằn tiện, không bao giờ đụng tới các bộ áo quần hàng hiệu và những chiếc xe hơi đắt tiền.
Năm nay 28 tuổi, làm tổng giám đốc chuỗi nhà hàng Jollibee tại Trung Quốc, Carl nói rằng anh và các anh em của mình đều hiểu, tài sản của gia đình không phải là “con heo đất” riêng của họ. “Nếu để tiền bạc làm cho mình mất tự chủ, chúng tôi đều cảm thấy mình có tội với lương tâm”.
Theo Doanh nhan