Mấy tháng qua, trên các mặt báo xuất hiện những hình ảnh đám đông từ hàng trăm đến hàng ngàn người chen lấn nhau rất khổ sở. Và gần đây nhất là chuyện các phụ huynh học sinh đạp sập cổng trường tiểu học Thực Nghiệm (Hà Nội) để xin một chỗ học cho con em.
Thực ra, câu chuyện đằng sau trường Thực Nghiệm ẩn chứa nhiều yếu tố bên trong khiến chúng ta cũng phải thông cảm cho các phụ huynh (đọc bài “Tôi ‘sống sót’ sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm” thì bạn sẽ hiểu). Nhưng dù thông cảm cỡ nào thì cũng phải thấy rằng hành động tuyệt vọng của các vị phụ huynh hàm chứa điều gì đó cực kì không ổn.
Cổng trường đã đổ, những vấn đề liên quan đến phát triển giáo dục tại Việt Nam trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Nhưng còn một vấn đề khác cũng nhức nhối không kém và cũng không phải là mới. Đó là tâm lý giành giựt, chà đạp người khác để giành cái lợi về mình.
Từ vụ chen lấn giành quà ở công viên Lê Văn Tám (12/2011) cho đến chuyện đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng (4/2012) đều có một mẫu số chung là món lợi dù rất nhỏ nhưng người ta sẵn sàng “chiến tới cùng” để giành cho bằng được. Đấy là chưa kể đến tình huống ngắt lá bẻ hoa cách đây mấy năm tại hội hoa anh đào nhưng mà thôi, đó là một câu chuyện khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hình ảnh đáng buồn này. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi vẫn là lựa chọn của những người trong cuộc. Họ đã chọn lối tư duy “thà đạp lên người khác để sống còn hơn là mình bị thiệt”. Cuộc sống trở thành cuộc chiến thường trực. Nếu không nhanh tay nhanh chân chụp giựt thì sẽ bị người khác giành hết.
Những dòng comment trên trang Vnexpress về việc hàng nghìn người chen lấn đổi mũ bảo hiểm hầu hết đều nhận định rằng ý thức của người dân quá kém. Sự kiện ở Đà Nẵng thì có thể coi như thế thật. Nhưng còn chuyện những người đạp đổ cổng trường Thực Nghiệm (theo như tác giả Hoàng Hường viết trên Vietnamnet) đều là “nhà báo, luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư…” thì làm sao có thể gọi là ý thức kém được?
Đáng ngạc nhiên hơn khi tác giả này nhận định “những người đứng đó hầu hết có điều kiện tiếp cận thông tin, thực tế, có hiểu biết và quan điểm giáo dục rõ ràng”. Câu hỏi đặt ra là họ đã quyết định sử dụng hiểu biết của mình như thế nào? Đó là tận dụng tối đa khả năng chiến đấu để cho con mình được vào học tại ngôi trường họ cho rằng tốt nhất đất nước. Hi sinh đời bố củng cố đời con là vậy.
Tôi không phê phán họ vì điều đó. Tôi không nói chuyện ai đúng ai sai ở đây. Nói cho cùng thì tất cả các phụ huynh đều có lòng thương con vô bờ bến nên mới làm như vậy. Nhưng vấn đề là kết quả của cách làm đó như thế nào?
Cổng trường sập thì hôm sau dựng lại cổng khác. Phụ huynh chen lấn thì vẫn chen lấn. Nhà trường vẫn phải cảnh giác tối đa kẻo cổng lại đổ. Hồ sơ thì vẫn chưa nộp được. Mọi người đều mệt mỏi, kiệt quệ.
Thế đấy, chẳng ai được lợi gì từ kiểu suy nghĩ sống chết mặc bây miễn là nhà ta ổn. Những vị phụ huynh đó, những người trí thức bao gồm “nhà báo, luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư…” họ có lựa chọn nào khác hơn việc đạp bẹp cổng trường một cách ích kỷ như vậy không?
Dĩ nhiên là có. Ít ra tác giả Hoàng Hường viết bài “Tôi ‘sống sót’ sau đêm mua đơn vào trường Thực Nghiệm” đăng trên Vietnamnet đã cho thấy những điều lên quan đến nền giáo dục của nước ta mà đa phần người dân ít ai biết (hoặc chưa biết rõ, hoặc thậm chí có biết nhưng không thể lên tiếng vì tiếng nói không có trọng lượng).
Lẽ ra những người trí thức, những người hạ gục cổng trường tiểu học, nên dùng hiểu biết hơn người của họ để cùng nhau góp tiếng nói chung để đẩy nhanh quá trình cải cách nền giáo dục nước nhà, để cho mọi đứa trẻ được có cơ hội tận hưởng phương pháp giảng dạy giống như tại trường Thực Nghiệm.
Lẽ ra họ phải lên tiếng một cách rõ ràng và mạnh mẽ từ lâu rồi chứ không phải chờ tới lúc hình ảnh cổng trường sụp đổ đã trở thành một vấn đề nóng sốt rồi mới có một bài viết (từ phía người trong cuộc) nhằm cho thấy những lý do dễ thông cảm cho hình ảnh đáng buồn trên.
Cùng chung tiếng nói để làm cho nền giáo dục tốt đẹp hơn ắt hẳn sẽ tốn nhiều thời gian và sức lực. Nhưng nó có đáng để làm không?
Tôi nghĩ hầu hết sẽ trả lời là không. Nói cho cùng, cùng nhau làm nên một điều gì đó có ích cho một xã hội tốn rất nhiều công sức và tâm huyết. Thậm chí nếu có kết quả thì mọi người đều được hưởng chứ không phải riêng chúng mình. Như thế thì có vẻ hơi bất công.
Thôi thì trong thời gian chờ đợi, cứ đạp đổ cổng trường đi đã. Cổng mới dựng lên rồi thì chúng ta cứ tiếp tục đạp. Biết đâu sẽ có cơ hội thành công. Tất cả vì tương lai con em chúng ta!
Kế Thắng