Thay vì ăn sáng ngoài hàng, chị Liệu dậy sớm làm đồ ăn cho cả nhà, đồng thời chuẩn bị cho chồng, con mỗi người một cặp lồng cơm trưa. Cực hơn trước nhưng theo chị đó là cách xoay sở hiệu quả trong thời kỳ giá cả thị trường lên nhanh.
Thu nhập của hai vợ chồng chị Liệu (ngụ ở P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TPHCM) là trên 10 triệu/tháng, không dư dả nhưng cũng đủ cho gia đình chị sắp xếp một cuộc sống khá thoải mái. Nhưng thời điểm hiện tại, khi giá cả mọi mặt hàng đều tăng mà lương cứ “dậm chân tại chỗ”, chị thấy rõ mình không thể chi tiêu như trước. Chị xoay sở bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, chi tiêu trước đây.
Mỗi ngày, tiền ăn sáng cho 3 người trong gia đình hết 50.000 đồng, bữa trưa vợ chồng ăn cơm tiệm, con đi học cũng ăn cơm quán, thêm khoảng 100.000 đồng nữa. Với mức giá mới, các khoản trên sẽ “đội” thêm trên 20.000 đồng nữa. Theo không nổi, chị quyết định chuyển qua nấu đồ ăn sáng tại nhà, đồng thời chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà mang theo. “Chỉ hơn 100.000 đồng là có bữa sáng và bữa trưa khá đầy đủ cho cả gia đình, không kém ngoài quán” – chị cho biết.
Chị Liệu cũng cắt tiền nước nôi hàng ngày của con thay vào đó chuẩn bị nước lọc rót vào chai để con mang theo. “Tôi đi làm cả ngày, phải gánh thêm những công việc này quả là rất mệt, có hôm còn đến công ty muộn nhưng đây là cách tốt nhất để đảm bảo được bữa ăn đủ chất lúc giá cả tăng nhanh”.
Đây cũng là cách xoay sở hiện nay của rất nhiều bà nội trợ. Với những người vốn đã có thu nhập thấp, việc này đã được họ áp dụng từ lâu, nay giá cả tăng cao, các bà nội trợ càng đau đầu mỗi lần đi chợ.
Chị Lê Thị Nga, công nhân vệ sinh một công ty sản xuất bao bì ở quận Gò Vấp, cho biết, vợ chồng chị đều lương công nhân, thu nhập hai người chỉ hơn 5 triệu/tháng. Tiền ăn uống cho gia đình 4 người định mức 80.000 đồng/ngày. Mỗi lần ra chợ là chị Nga lại căng đầu ra nhẩm tính. Giờ đây, thay vì chọn mua những mặt hàng tươi ngon, chị Nga đành lái sang các mặt hàng như thịt cá, rau củ loại 2, 3 kém tươi hơn một chút nhưng giá rẻ hơn. Bữa ăn trong gia đình nhiều hôm chỉ có mấy bìa đậu với đĩa rau. “Có hôm nhìn mâm cơm tôi còn không nuốt nối nói chi chồng con. Chồng tôi thở dài, ăn cho xong… Biết là thông cảm cho nhau nhưng ăn uống kham khổ dường như cũng làm vợ chồng giảm đi sự thoải mái, tình cảm dành cho nhau”.
Không những vậy, vợ chồng chị đang khục khặc chuyện chị tính đổi sang cho con sử dụng một loại sữa giá rẻ hơn nhưng chồng không chịu. “Ổng mâu thuẫn lắm, đồ ăn dở thì chê. Khi tôi nói đổi sữa cho con thì lại hùng hổ kêu cắt gì thì cắt, bố nhịn ăn chứ không để con đói sữa. Tôi thuyết phục hoài mà chưa được”, chị nói.
Tất cả mọi chi tiêu, gia đình chị Nga phải cắt giảm, thay đổi mọi thói quen về ăn uống, sử dụng điện nước, xăng xe… Việc kiếm thêm thu nhập nằm ngoài khả năng của họ vì: “Vợ chồng quanh năm tăng ca rồi, còn thời gian nào nữa đâu mà làm thêm”.
Làm việc tại một căng tin trường học ở quận Tân Bình, 6 giờ tối mới hết giờ làm nhưng mới đây chị Phạm Thị Ngân (ngụ ở phường Thạch Lộc, Q.12) vẫn nhận thêm công việc đính cườm áo cho một xí nghiệp may. Đính cườm 3 tiếng chỉ được khoảng 15.000 đồng, chị phải đánh đổi bằng thời gian chỉ dẫn, dạy bài cho con.
Chị Ngân bộc bạch: “Chồng tôi cũng nhận dép về khâu, làm suốt đêm. Cứ tối trước giờ đi ngủ là con bé khóc vì bố mẹ không đi ngủ cùng. Để kiếm thêm thu nhập, sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn rất nhiều”. Điều chị Ngân lo ngại, vợ chồng lao đầu vào làm thêm sẽ khắc phục được phần nào về đời sống vật chất nhưng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần.
Lúc này, hầu hết mọi người đều phải lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu như hạn chế việc mua sắm những món đồ không cần thiết, nhậu nhẹt với bạn bè, sinh nhật, lễ lạt… Để thích nghi với sự “cắt giảm” đó, cuộc sống nhiều gia đình có sự xáo trộn không nhỏ.
Theo Dân trí