Nhiều nhà tuyển dụng lo ngại những chấn động tâm lý sau li hôn có thể khiến bạn bị chi phối, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Nếu có nhiều ứng viên cân sức với bạn, chắc chắn, nhà tuyển dụng chẳng ngại ngần gì mà không gạch tên bạn khỏi danh sách.
Nhiều ứng viên cảm thấy căng thẳng khi đối diện với nhà tuyển dụng. Họ tìm cách xua đi không khí ngột ngạt và tạo ấn tượng tốt với người đối diện theo những cách khác nhau, trong đó, chia sẻ thông tin cá nhân là một lựa chọn.
Không phủ nhận rằng, việc nói chuyện về cuộc sống cá nhân sẽ giúp cho cuộc trao đổi thêm thoải mái, thú vị. Ứng viên không chỉ cảm thấy bớt lo lắng mà ngay nhà tuyển dụng cũng hứng thú hơn với buổi gặp mặt này. Tuy nhiên, nếu bạn cứ bô bô kể đủ thứ chuyện từ nhà ra ngõ thì rất có thể bạn sẽ mắc những sai lầm chết người, khiến bạn bị loại một cách tức tưởi dù mọi câu trả lời khác của bạn đều ổn.
Về nguyên tắc, nhà tuyển dụng không được phép hỏi quá nhiều về đời tư ứng viên. Vì thế, bạn đừng bao giờ để lộ những thông tin “tuyệt mật” của cá nhân. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc, những lý giải sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tại sao không nên kể về đời tư trong khi phỏng vấn.
Cuộc sống cá nhân ngốn nhiều thời gian của bạn
Bước vào phòng, đối diện với nhà tuyển dụng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bạn là bức ảnh của một đứa trẻ được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc. Bạn nhận thấy, tấm ảnh được nhà tuyển dụng để ở vị trí trang trọng, bạn bắt đầu tò mò về tuổi tác, sở thích của đứa trẻ. Nếu bạn có con nhỏ, chắc chắn, bạn lại huyên thuyên về con mình. Có thể, con trai bạn là một cầu thủ ngôi sao đầy tiềm năng, lớn lên sẽ theo nghiệp “quần đùi áo số” hoặc có khi con gái yêu của bạn mê ca hát và thường xuyên đi biểu diễn cho các chương trình ca nhạc thiếu nhi của quận… Bất kỳ bố mẹ nào cũng tự hào về những đứa con như thế, nhưng bạn nên nhớ, nếu bạn nói những điều đó với nhà tuyển dụng, chắc chắn bạn sẽ bị loại.
Vì sao ư? Lý do rất đơn giản mà nhiều nhà tuyển dụng lâu năm chia sẻ là những ứng viên này thường có quá nhiều việc cá nhân phải bận tâm, không thể toàn tâm toàn lực cho công việc. Trong khi những ứng viên không vướng bận gì, bất kỳ khi nào công ty cần, họ đều có khả năng đáp ứng, thậm chí không ngại ngần với những chuyến công tác xa dài ngày.
Tất nhiên, công ty nào cũng hiểu rõ sự cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân nhưng đa phần họ lại không chú ý đến điều này khi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng tất nhiên sẽ “chấm” những ứng viên ít ràng điều buộc hơn.
Đời tư phức tạp khiến nhà tuyển dụng ái ngại
Đa phần các ứng viên thường để lộ ra mình còn độc thân, đã có gia đình hay thậm chí đã li dị, tuy nhiên, đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Tốt hơn hết, bạn nên giữ thái độ trung lập, đừng nhắc tới tình trạng hôn nhân của mình nếu nhà tuyển dụng không hỏi đến. Bởi nếu bạn tự ý nói về điều này theo hứng, người phỏng vấn sẽ đánh giá thấp bạn hơn những ứng viên kín đáo khác. Nếu bạn còn chưa tin, hãy đọc những tình huống sau để hiểu rõ nguyên nhân:
Tình huống 1:Bạn là người độc thân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thích chơi thể thao
Nếu bạn nói ra những điều này, nhà tuyển dụng có thể hiểu rằng hoạt động xã hội rất quan trọng đối với bạn và ngốn hết thời gian của bạn. Hơn nữa, sự ràng buộc với một tổ chức xã hội nào đó có thê khiến bạn sao nhãng công việc ở công ty. Thật kỳ lạ nếu người phỏng vấn vẫn quyết định chọn bạn.
Tình huống 2: Bạn đã li dị và có 2 con
Với hoàn cảnh như vậy, nhiều ứng viên hy vọng rằng, nói với nhà tuyển dụng sẽ được người ta chia sẻ khó khăn, ít nhất là bằng cách nhận bạn vào làm. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm bởi thường, người phỏng vấn sẽ nghĩ tới thời gian bạn phải dành chăm sóc con cái, đi gặp chồng cũ và hẹn hò với người đàn ông khác… Hơn nữa, họ cũng lo ngại những chấn động tâm lý sau li hôn có thể khiến bạn bị chi phối, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Nếu có nhiều ứng viên cân sức với bạn, chắc chắn, nhà tuyển dụng chẳng ngại ngần gì mà không gạch tên bạn khỏi danh sách.
Hầu hết các công ty đều quan tâm đến sự cân bằng cuộc sống và sự nghiệp cho nhân viên bởi chính họ cũng có gia đình và đời sống riêng tư. Tuy nhiên, bạn không ở vị trí của nhà tuyển dụng nên không cần bận tâm đến vấn đề đời tư khi nói chuyện với người phỏng vấn. Tốt nhất là nên tập trung vào công việc, phân tích những khó khăn và đưa ra giải pháp kịp thời.
Theo CareerBuilder/Bưu Điện Việt Nam