Phần lớn thanh niên Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của liêm chính. Tuy nhiên, họ lại sẵn sàng ‘dúi’ tiền để được chăm sóc y tế tốt hơn hay để không bị cảnh sát giao thông xử phạt.
Cuộc khảo sát của Tổ chức Hướng tới Minh bạch đã chỉ ra rằng thanh niên Việt Nam còn ‘mơ hồ’ về tham nhũng. (Thế Văn)
Tổ chức Hướng tới Minh bạch – cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc khảo sát quan điểm của thanh niên Việt Nam về vấn đề tham nhũng.
Cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của 1.022 thanh niên được lựa chọn ngẫu nhiên trong độ tuổi từ 15-30 ở 11 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ngãi, Gia Lai, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, TP HCM, An Giang). Bên cạnh đó, để tìm hiểu sự khác biệt về quan điểm của họ và các nhóm đối tượng dân số khác, các nhà nghiên cứu cũng lấy mẫu một nhóm đối chứng gồm 519 người ở độ tuổi trên 30.
Theo khảo sát trên, có 4 nguồn thông tin quan trọng nhất hình thành nên quan điểm của thanh niên về liêm chính: tivi và đài phát thanh (được 89% số người tham gia phỏng vấn lựa chọn); môi trường học tập và gia đình (80% lựa chọn); bạn bè và đồng nghiệp (76% lựa chọn). Chưa đầy một nửa thanh niên tham gia khảo sát (tương đương 39%) cho biết Internet là một trong những nguồn thông tin góp phần hình thành quan điểm của họ. Tuy nhiên, thanh niên nông thôn và nhóm thanh niên nghèo hơn ít bị ảnh hưởng hơn bởi Internet, báo chí và trường học.
Nhận thức và thái độ của thanh niên
95% thanh niên tham gia cuộc điều tra đã đồng ý hoàn toàn hoặc một phần rằng trung thực quan trọng hơn giàu có. Khi được hỏi về các hành vi tham nhũng, 88% thanh niên nhìn nhận nó là sai trái. Con số này gần với con số 91% của nhóm đối tượng trên 30 tuổi tham gia khảo sát.
Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thanh niên có thể nới lỏng định nghĩa của mình về liêm chính trong một số tình huống cụ thể. Ví dụ như khi đối mặt với tình huống “phải đưa thêm một khoản tiền hoặc đưa quà cáp tại bệnh viện để được chăm sóc, điều trị tốt hơn”, đã có 32% thanh niên cho rằng đó là hành vi sai trái nhưng vẫn có thể “chấp nhận được”.
Bên cạnh đó, thấy khi xem xét quan điểm của các nhóm thanh niên trên góc độ nghề nghiệp thì những thanh niên thất nghiệp và đang tìm kiếm việc làm dễ nới lỏng định nghĩa về liêm chính của mình hơn rất nhiều so với những người có việc làm hoặc đang đi học.
Trong khi giàu có là khái niệm rộng và trìu tượng thì tăng thu nhập gia đình là khái niệm cụ thể và dễ hình dung hơn. Vì thế, một điều tự nhiên là có nhiều thanh niên sẵn sàng từ bỏ lòng trung thực để tăng thu nhập cho gia đình mình hơn so với số thanh niên sẵn sàng từ bỏ lòng trung thực để trở nên giàu có. 17% thanh niên trong nghiên cứu cho rằng gian lận, lạm phát và tham nhũng dễ giúp họ thành công hơn. Có tới 25% đối tượng có trình độ THPT và 22% đối tượng trong nhóm có mức sống cao nhất cho rằng những người liêm chính sẽ có ít cơ hội thành công hơn trong cuộc sống. 23% thanh niên sống ở thành thị cho rằng gian lận giúp họ dễ dàng thành công hơn so với 15% thanh niên sống ở nông thôn có cùng quan điểm như vậy. Tỷ lệ thanh niên người Kinh có quan điểm đó là 19% so với 12% thanh niên là người dân tộc thiểu số.
Trải nghiệm về tham nhũng
Cuộc khảo sát cũng nghiên cứu những trải nghiệm của thanh niên về tham nhũng trong sáu tình huống mà họ thường xuyên gặp phải, bao gồm cách xử lý của họ để có được một loại giấy tờ/giấy phép nào đó; để thi đỗ hay được nhận vào một chương trình đào tạo ở trường; để được cấp thuốc hoặc được chăm sóc y tế; để tránh rắc rối với cảnh sát giao thông; để có việc làm; để có nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy thanh niên thường có hành vi hối lộ nhiều nhất trong lĩnh vực chăm sóc y tế hoặc khi gặp rắc rối với cảnh sát giao thông và kiếm cơ hội kinh doanh cho công ty.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho rằng không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ thanh niên có trải nghiệm về tham nhũng trong ngành y tế cao vì kết quả của các cuộc điều tra trước đó cũng chỉ ra mức độ nghiêm trọng của vấn nạn tham nhũng trong ngành này. Bên cạnh đó, việc nhiều thanh niên có trải nghiệm về tham nhũng liên quan đến cảnh sát có thể được giải thích bằng những tình huống họ tiếp xúc với cảnh sát giao thông, đặc biệt là để tránh nộp phạt. Còn những trải nghiệm về tham nhũng của thanh niên trong lĩnh vực kinh doanh có thể phản ánh thực tế tình hình kinh doanh ở Việt Nam nói chung cũng như giải thích vì sao thanh niên có cái nhìn tiêu cực đối với tính liêm liêm chính của doanh nhân, nhất là khi có tới 21% thanh niên được phỏng vấn cho biết họ đã phải đưa hối lộ để có việc làm.
Đây là thực trạng đáng lo ngại vì cứ ba tình huống liên quan đến những lĩnh vực này thì lại có một tình huống trong đó thanh niên phải đưa hối lộ. Một điều đáng báo động khác là 23% thanh niên tuyên bố họ đã từng có hành vi hối lộ để qua được một kỳ thi hay để được chấp nhận vào một chương trình học tại trường.
Một điều đáng lo ngại khác là kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng 52% thanh niên từ 15-30 tuổi và 58% những người trên 30 tuổi được phỏng vấn không tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, “sợ không được bảo vệ” lại không phải là lý do chính được đề cập nhiều nhất. 41% thanh niên thành thị và 23% thanh niên nông thôn cho rằng việc tố cáo tham nhũng sẽ “không có tác dụng gì”.
Nhận thức mơ hồ, giáo dục thiếu hiệu quả
Có tới 83-86% thanh niên được phỏng vấn cho rằng việc thiếu liêm chính gây tổn hại nghiêm trọng tới thế hệ của họ, cho nền kinh tế cũng như sự phát triển đất nước và 78% nói thiếu liêm chính có ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình và bạn bè của họ.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, điều đó cho thấy dường như hiểu biết của thanh niên về tham nhũng còn ở mức độ ‘mơ hồ’. Mặc dù họ nói về các giá trị và nguyên tắc của liêm chính nhưng khoảng 1/3 (tương ứng 35%) trong số họ cũng sẵn sàng nới lỏng định nghĩa về liêm chính nếu điều đó mang lại cho họ lợi ích kinh tế, giúp họ giải quyết một số vấn đề hoặc nếu đó chỉ là khoản hối lộ trao tay nhỏ. Tỉ lệ này thậm chí cao hơn trong nhóm đối tượng có trình độ học vấn thấp, ví dụ có tới một nửa số thanh niên chỉ có trình độ tiểu học cho rằng tham nhũng ‘vặt’ là chấp nhận được so với con số 27% của nhóm thanh niên học hết bậc trung học.
Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho rằng tốc độ phát triển nhanh kinh tế ở Việt Nam đã tạo ra những tác động lớn tới sự thay đổi và chuyển dịch xã hội khiến cho nhiều người bày tỏ lo ngại về sự ‘hòa tan’ của những giá trị truyền thống.
Nhằm cải thiện các nỗ lực phòng, chống tham nhũng và giải quyết những quan ngại này, vào tháng 12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ‘Đề án 137’ về việc đưa chương trình giáo dục quốc phòng, chống tham nhũng vào các trường THPT và ĐH, CĐ, trung cấp. Chủ trương này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng các giá trị của thanh niên và tạo ra những thay đổi vững chắc. Tuy nhiên để đảm bảo tính hiệu quả của chương trình giảng dạy, các cơ sở đào trước hết phải hiểu và đánh giá đúng nhận thức, hành vi, trải nghiệm của thanh niên Việt Nam liên quan đến tính liêm chính.
Mặc dù nhà trường có vai trò ảnh hưởng quan trọng nhưng chỉ 17% thanh niên trong cuộc khảo sát cho rằng họ được giáo dục về liêm chính và gần 2/3 trong số này cảm thấy những chương trình giáo dục về liêm chính chưa thực sự hiệu quả. Nói cách khác, giáo dục về phòng chống tham nhũng vẫn chưa thành công trong việc phát triển một thế hệ thanh niên được trang bị đủ kiến thức và sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng.
Nâng cao hiểu biết cho thanh niên
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng mặc dù còn nhiều vấn đề trong nghiên cứu cần được lý giải chi tiết hơn nhưng đây quả thực là một nghiên cứu thú vị. Ông cũng đồng ý với những khuyến nghị mà tổ chức Hướng tới Minh bạch đưa ra trong việc tăng cường giáo dục liêm chính cho thanh niên lồng ghép vào các chương trình giáo dục, thảo luận, hội thảo, ngoại khóa và sử dụng các tấm gương điển hình để thay đổi nhận thức của giới trẻ về liêm chính.
Trong khi đó, Giáo sư Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên cho rằng lỗi đầu tiên không phải thuộc về thanh niên. “Đó là lỗi của xã hội, do cơ chế, chính sách khiến họ như vậy. Chúng ta không thể kêu gọi thanh niên liêm chính khi mà người lớn tuổi và cơ chế còn nhiều sự thiếu trung thực”, ông Khanh nói.
Còn bà Nguyễn Thị Kiều Viễn thì hy vọng rằng các kết quả của cuộc khảo sát sẽ góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng về vấn đề thanh niên phòng, chống tham nhũng cũng như hỗ trợ việc hoạch định và thực thi các chính sách, sáng kiến, chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng cho thanh niên Việt Nam.
Theo Dakota