Sự tha thứ sẽ lấp đầy khoảng cách giữa những con người. Khi đó, những cái hố sâu vô tình sẽ được khỏa lấp bằng tình yêu thương. Hãy nhớ, bạn luôn có thể tha thứ. Hãy đọc câu chuyện cảm động sau đây để hiểu hơn câu danh ngôn này nhé:
“Chúng ta còn yêu thì chúng ta còn tha thứ.”(Francois Rochefoucauld)
Bố là một người đàn ông đồ sộ, cao một mét tám và nặng một trăm năm mươi ký. Giọng bố to, trầm và luôn luôn gây ấn tượng rằng tốt hơn là bạn đừng ngồi chung bàn ăn với bố.
Khi bố đứng đó với đôi mắt nảy lửa rừng rực và phóng hỏa đốt bạn với tính khí nóng nảy của ông, thì bạn sẽ hiểu thế nào là sợ… ông Trời – một nỗi sợ tôi đã biết từ hồi còn rất bé.
Bất cứ khi nào tôi làm gì sai, không có chuyện bàn về những gì tôi đã làm hay không có bất cứ lý lẽ nào được đưa ra để giúp tôi thay đổi hành vi của mình – chỉ là chiếc dây thắt lưng, một dây lưng bằng da cứng. Từ lần đầu tiên bố quất tôi, tôi hiểu rằng ông Trời luôn mang theo một dây thắt lưng trên người.
Khi bố và bạn bè ông tụ họp ở nhà chúng tôi, họ bắt đầu náo loạn nhà cửa trong lúc bố hồi tưởng về những ngày khi ông là Chiếc Găng Vàng vô địch quyền Anh. Bất cứ khi nào bố vào trận với một gã nào, họ đều lùi bước. Họ biết họ không phải đối thủ của ông, bởi không ai thô bạo và dai sức hơn bố tôi.
Tôi cảm thấy rất may khi bố vắng nhà hầu hết thời gian. Bố làm việc vận hành các thiết bị nặng nhọc cho đội xây dựng cầu đường, và công việc của bố khiến ông phải có mặt trên đường cả tuần lễ một lần. Nhưng cứ tối thứ Sáu đến, khi nhìn thấy xe của bố hiện ra trên lối vào nhà, là tôi chạy tìm chỗ trốn. Rồi mẹ sẽ cho ông một tràng báo cáo về việc suốt tuần qua tôi đã hư đốn thế nào. Chẳng bao lâu ông sẽ réo tên tôi và triệu tôi đến nhà bếp. Khi bố hét vào mặt tôi, mùi hôi của rượu và thuốc lá xộc vào mũi tôi vào tận cổ họng, khiến cho tôi muốn nôn ọe.
“Tao không có tâm trạng cho việc này đâu!”, ông hét lên. “Tao làm việc cực khổ cả tuần trời, và bây giờ tao trở về nhà với chuyện như vầy đây hả!” Rồi thắt lưng được tháo ra.
Điều bố không nhận ra là phương pháp trừng phạt này càng khuyến khích cho loại hành vi mà ông đang cố ngăn chặn. Và bất cứ lúc nào tôi nói với ông về việc đó, ông càng điên tiết hơn và hét lớn, “Đừng làm như tao làm. Làm như tao nói ấy!”
Hình thức trừng phạt sai lầm này dẫn đến nhiều vấn đề hơn khi tôi lớn lên. Và điều khiến nó tồi tệ hơn là tôi không có một con đường để quay lại. Tôi khiếp sợ bố và không biết phải trông đợi những gì từ những cơn thịnh nộ của ông. Tôi nguyện rằng khi đủ lớn, tôi sẽ bỏ nhà ra đi và ở càng xa bố càng tốt.
Sau cùng bố mẹ tôi ly hôn, và tôi đã không gặp bố những năm sau đó. Mẹ vẫn giữ liên lạc với tôi, và một ngày mẹ gọi cho tôi để báo rằng bố đã đi khám bác sĩ, ông rất yếu. Tôi tự hỏi mình nên làm gì bây giờ hay mình có nên làm bất cứ điều gì hay không. Chúng tôi không thân thiết nhau. Làm thế nào chúng tôi có thể gần gũi sau tất cả những việc bố đã nói và làm khi tôi còn nhỏ? Tôi thậm chí đã không thấy thích đàn ông nữa! Nhưng thật kỳ quặc, tôi cảm thấy trong tim mình luôn có một sự lôi kéo kỳ lạ, và tôi quyết định gọi cho bố.
“Bố, con, Lindy đây.”
“Lindy ư?”, ông nói, nghe như thể ông đang lướt qua trí nhớ của mình về tất cả những gì dính dáng đến cái tên Lindy mà ông từng biết.
Một khoảng yên lặng. Tôi ngập ngừng, cố gắng cẩn thận chọn lọc từng từ. “Con nghe nói bố không được khỏe và quyết định gọi điện thăm bố.”
“Bác sĩ nói bố không sống được bao lâu nữa.”
“Bố bị gì ạ?”
Ông bắt đầu khóc và lầm bầm một vài từ tôi không thể hiểu được, và rồi ông gác máy.
Một vài tuần trôi qua, tôi suy nghĩ về tình trạng của bố và về việc tôi nên gánh lấy vai trò gì đây. Trong khi cứ loay hoay suy nghĩ, tôi nhận được cú điện thoại khác từ mẹ báo rằng bố đã được đưa vào nhà tế bần. Sự do dự chuyển thành nỗi tuyệt vọng. Tôi hiểu nhà tế bần nghĩa là gì. Tôi không muốn tin rằng bệnh của bố đã vào giai đoạn cuối. Bố còn bao nhiêu thời gian nữa? Tôi phải biết điều đó.
Tôi nhảy vào xe và hối hả lái đến khu điều trị của nhà tế bần. Khi tôi đến nơi, hai y tá và một bác sỹ có mặt ở đó liền an ủi tôi. Sau khi xem hồ sơ của bố, tôi đã có mọi thông tin mình cần. Tất cả những năm tháng rượu chè be bét cuối cùng đã lãnh hậu quả của nó. Bố bị xơ gan mãn tính, điều đó dẫn đến căn bệnh ung thư đang lan ra toàn bộ cơ thể ông.
Tôi khiếp sợ những gì sẽ đến. Tôi cảm thấy như mình không thuộc về nơi đó. Tôi sẽ nói gì với người đàn ông mà tôi không gặp bao nhiêu năm qua? Tôi cảm thấy như đây là cảnh tượng cuộc đời của người nào đó chứ không phải của tôi. Mơ hồ về việc mình đang làm, tôi bước về hướng phòng của bố, đẩy cửa bằng một sức mạnh mà tôi không hiểu ở đâu ra. Và mặc dù bước rất chậm, nhưng tôi lại đến phòng bố quá nhanh. Khi tôi nhìn quanh quất ở cửa ra vào, bố đã thấy tôi và bảo tôi vào trong.
“Hãy nhìn bố đi, Lindy,” ông nói và khóc. Rồi ông giơ cánh tay lên và chỉ cho tôi xem làn da bủng beo của ông. “Bố đang kiệt dần, và bố không thể làm gì được.”
“Con biết, bố à,” tôi nói, cố gắng không cảm nhận nỗi đau của ông.
Rồi tôi lắng nghe ông nói. Ông nói về mẹ tôi và làm thế nào mà mọi việc đã không suôn sẻ. Ông bảo tôi là ông đã cố gắng làm điều tốt nhất mà ông có thể làm cho tôi, nhưng mọi thứ hoá ra lúc nào cũng sai cả.
“Bố yêu con, Lindy,” ông nức nở. “Bố có lỗi với con, bố xin lỗi con.”
Tôi ôm ông trong tay khi ông thú nhận những hối tiếc của mình. Và dù cho tôi không nói gì cả, nhưng cử chỉ an ủi của tôi cho thấy tôi đã tha thứ cho ông.
Rời khỏi nhà tề bần, đầu tôi quay như chong chóng. Tất cả diễn ra chỉ trong một đêm. Chỉ trong một đêm mà tôi cảm thấy choáng váng, sợ hãi, tha thứ và đau khổ. Bố tôi là một người đàn ông suy kiệt, không phải là người đàn ông tôi biết khi tôi đang ở tuổi trưởng thành. Không gì chạm được vào ông khi đó. Ông là nhà vô địch Găng Tay Vàng.
Chỗ yếu của tôi lỏng ra, và tôi bắt đầu khóc thét như một đứa trẻ. Tôi không chỉ khóc cho những gì bố và tôi đã không có được trong mối quan hệ cha con của mình, mà tôi khóc cho những gì chúng tôi có thể vẫn có được nếu bố không sắp chết. Giờ đây, bố dường như đã thay đổi và như một người cha tôi có thể cùng chung sống. Nhưng ông lại sắp ra đi, và cả ông lẫn tôi đều không thể làm bất cứ điều gì nữa.
Nhưng thời gian thì vẫn còn.
Trong vài tuần kế đó, tôi ghé thăm bố mỗi tối sau giờ làm việc. Chúng tôi ngồi trò chuyện. Thậm chí tôi còn chạy việc lặt vặt cho ông và mua cho ông một vài thứ ông cần. Tôi bắt đầu nhìn thấy những điều về bố mà tôi chưa từng biết trước đây. Tôi đã chỉ biết về những mặt xấu của bố, giờ thì tôi bắt đầu nhìn thấy các mặt tốt, và chúng tôi đang trở thành bạn của nhau. Nhưng ngay khi tình bạn của chúng tôi chớm nở, thì đến lượt ông rơi vào tình trạng tồi tệ nhất.
Một tối, khi tôi đến thăm ông, y tá nói rằng họ không nghĩ ông có thể qua khỏi đêm nay. Bác sỹ đã tăng liều thuốc móc phin, nhưng nó vẫn chưa điều hòa, và bố đang rất đau. Người ta bảo với tôi là cứ mỗi mười lăm phút máy nhắn sẽ kêu lên, và tại thời điểm đó tôi có thể nhấn một nút để gửi liều móc phin không liên tục vào cơ thể bố. Tôi quyết định ở lại với ông suốt đêm. Bố nói chuyện rất nhỏ. Và mỗi lần máy nhắn kêu lên, tôi lại nhấn nút, nhận ra rằng mỗi lần tôi làm như thế, hai cha con lại khó có thể nói chuyện dài hơn.
Bố cầm cự thêm được hai ngày, tôi đã ở bên bố khi ông qua đời. Tôi nắm tay ông, hôn lên trán ông và nói, “Không sao đâu bố. Bây giờ bố có thể đi rồi. Ông bà Nội đang chờ bố, và giờ thì bố có thể làm những con đường trên thiên đàng rồi.”
Bố đã là một người làm đường rất giỏi. Bố đã lát con đường lấp đi hố ngăn cách giữa bố và tôi.
LINDA POEHNELT
Xem thêm truyện ngắn Chiến Tranh Lạnh