Để thực hiện được ước mơ vào đại học, những sĩ tử nhà nghèo không những “phải tự thân vận động” mà còn phải đấu tranh với gia đình, với hoàn cảnh… điều đó đòi hỏi bản thân họ phải nỗ lực gấp bội phần và phải chịu hi sinh một phần trong ước mơ mà mình theo đuổi.
Nước mắt lăn cùng ước mơ
Kỳ thi đại học đến gần. Nếu như những sĩ tử con nhà có điều kiện, được cha mẹ lo lắng, quan tâm cả về mặt vật chất và tinh thần thì với những sĩ tử con nhà nghèo điều đó là quá xa lạ. Bởi lẽ, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà cái ăn vẫn không đủ huống gì là học hành, nên việc học đương nhiên bị xem nhẹ.
Tường – một sĩ tử có hoàn cảnh gia đình khó khăn tâm sự: “Đại học là ước mơ lớn nhất trong đời của em, mặc dù bố mẹ luôn phản đối vì gia đình không có tiền nhưng em vẫn quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn, em sẽ nỗ lự hết mình để vượt qua những khó khăn, thử thách”.
Cũng như Tường, Hòa cũng có hoàn cảnh tương tự, bố mẹ Hòa bắt em phải nghỉ học khi mới tốt nghiệp lớp 9, nhưng vì ham học nên Hòa đã đấu tranh mãi mới được bố mẹ ráng cho học hết cấp 3. Dù khát khao được vào đại học, nhưng năm nay Hòa không dám xin bố mẹ thi tiếp vì biết sẽ bị phản đối và cũng vì thương bố mẹ đã quá cực.
Tuy vậy, Hòa vẫn không từ bỏ ước mơ, cô bé vẫn tiếp tục miệt mài với sách vở với quan điểm “còn nước còn tát”, khi nào có điều kiện sẽ thi tiếp đại học. Hòa tâm sự: “Vào mùa thi cử cũng là vào mùa vụ nên bận túi bụi mình không có thời gian để ôn bài, nhiều khi đang học mẹ sai đi làm, thế là vừa đi nước mắt vừa chảy ròng ròng”.
Là một cô gái học giỏi và ham học, Hương cũng ước mơ được vào đại học, ấy nhưng gia đình Hương lại quá khó khăn. Bố mẹ làm ruộng, Hương lại là chị cả sau Hương còn 3 em đang học. Thấy Hương đam mê học hành bố mẹ Hương rất thưong nhưng “lực bất tòng tâm” nên đã tìm những lời để an ủi. Hương hiểu được hoàn cảnh gia đình, hiểu được tấm lòng của bố mẹ, nhưng Hương lại không nỡ từ bỏ ước mơ mà mình đã ấp ủ.
Những ngày này, Hương không thể tập trung vào học được, những lời nói chân tình của bố, những giọt nước mắt bất lực của mẹ khi nói với Hương cứ luôn hiển hiện trong tâm trí cô. Hương tâm sự: “Giờ em rất rối bời, em đang sống trong sự giày vò và luôn phải đấu tranh tư tưởng để lựa chọn. Em không thể nào từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, không nỡ phụ niềm tin của bạn bè đặc biệt là sự kỳ vọng quá lớn của cô giáo dạy văn. Nhưng em lại không muốn là gánh nặng của gia đình, không muốn vì mình mà các em phải nghỉ học”.
Nhà nghèo nên phải “liệu cơm gắp mắm”
Nhà nghèo, nên các sĩ tử cũng đã tính đến những biện pháp lâu dài để có thể theo đuổi ước mơ của mình. Vì thế không ít sĩ tử đã phải từ bỏ một phần trong ước mơ mà mình ấp ủ. Đó là từ bỏ những ngành, những trường mình yêu thích để chọn những ngành, những trường khác, không phải vì họ không có năng lực mà để phù hợp với gia cảnh của mình.
Mơ uớc của Tường là thi vào ngành Công nghệ Thông tin ở TP.HCM, nhưng vì không có điều kiện nên Tường đành chấp nhận thi ngành sư phạm ở TP Vinh, mặc dù không thích nhưng ít ra cũng thực hiện được một phần ước mơ là được tiếp tục học.
Theo Tường, học sư phạm thì khoản tiền học phí mình không phải lo, như thế sẽ giảm được một phần. Vả lại thi ở Vinh vừa gần nhà vừa đỡ tốn kém. Tường cho biết, nếu thi đậu thì sẽ vừa học vừa kiếm việc làm thêm và nhất định sẽ tự học thêm cái ngành mà mình yêu thích.
Đây là tư tưởng phổ biến của những sĩ tử vốn có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một số khác đành chấp nhận “tạm thời gác kiếm”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng Hương cũng đi đến quyết định: “Sẽ nghỉ một năm vào Sài Gòn làm thuê kiếm tiền và sang năm nhất định sẽ thi vào đại học Sư phạm, trở thành giáo viên dạy văn, dù có khó khăn thế nào Hương cũng không từ bỏ.
Không ai biết rằng, để có được quyết định đó Hương đã phải khóc nhiều đêm. Hương không trách bố mẹ, trái lại Hương hiểu và càng thương bố mẹ hơn. Hương chỉ thấy buồn cho mình, buồn cho các bạn có hoàn cảnh giống Hương và cô ước giá như quê mình đừng quá nghèo, để Hương và các bạn có điều kiện được theo đuổi ước mơ của mình, để những người cha, người mẹ không phải dằn vặt khi buộc con cái phải từ bỏ niềm đam mê chính đáng là được học hành.
Theo thanhnien
Xem thêm bài viết Thành công – người không chấp nhận sống an phận