Tại một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM, có một căn nhà được người dân chung quanh quen gọi là “nhà mù”. Đó là mái ấm Bừng Sáng, nơi hơn 50 trẻ em khiếm thị đang được chăm sóc, nuôi nấng và đặc biệt là dạy chơi nhiều loại nhạc cụ.
Hướng nghiệp bằng cách dạy chơi đàn
Mái ấm Bừng Sáng do thầy giáo khiếm thị Đào Khánh Trường sáng lập. Ông bị khiếm thị từ nhỏ do hậu quả của căn bệnh đậu mùa. Không buông xuôi số phận, ông chú tâm vào việc học và trở thành người khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam được nhận văn bằng chuyên môn âm nhạc Pháp.
Năm 1977, ông dành dụm mua một căn nhà nhỏ và bắt đầu nhận trẻ khiếm thị về nuôi. Một tay thầy Đào Khánh Trường ngày ấy gầy dựng nên mái ấm. Dù thầy Trường đã mất vào năm 2007, mái ấm nhỏ ngày nào vẫn đang tiếp tục là nơi giúp đỡ trẻ em khiếm thị hòa nhập cuộc sống.
Có người sáng lập là một giáo sư âm nhạc, các cô bé, cậu bé ở đây đều được dạy chơi đàn từ nhỏ. Đến thăm mái ấm vào những buổi chiều hàng ngày, những đứa trẻ chăm chú tập đàn từng nốt nhạc bằng chính cảm nhận thính giác của mình.
Anh Nguyễn Tấn Huyến, quản lý mái ấm, cũng là học trò của thầy Trường chia sẻ: “Dạy đàn cho các em ở đây sẽ cần thời gian gấp đôi bình thường, nhưng được cái là em nào cũng mê đàn lắm. Cũng có nhiều em có năng khiếu đặc biệt với âm nhạc. Quy luật bù trừ mà”.
Căn nhà mà các em đang ở hiện nay là tư gia của thầy Trường ngày trước. Trong căn nhà nhỏ ấy có hẳn một căn phòng dành riêng cho việc tập đàn và được đầu tư nhiều loại nhạc cụ như piano, organ, guitar, đàn tranh, đàn bầu, trống… Việc dạy nhạc ở đây được coi là một hoạt động hướng nghiệp. Nhiều em lớn lên từ mái ấm nay đã trở thành nhạc công thường xuyên được mời biểu diễn tại các quán café nhạc tại TP.HCM. Trong số đó, nổi bật là Vũ Văn Tư, được biết đến khá nhiều qua chuyến lưu diễn xuyên Việt cùng chàng ca sĩ người Anh Lee Kirby. Tư có thể chơi được tất cả 5 loại nhạc cụ.
Lớn lên từ mái ấm
Hiện nay, mái ấm Bừng Sáng đang được quản lý bởi những người học trò – cộng sự của thầy Đào Khánh Trường. Họ cũng là những người khiếm thị được thầy Trường dạy dỗ và chăm sóc, nay tập trung lại, cùng nhau tiếp nối công việc ý nghĩa mà thầy mình đã dành trọn một đời để thực hiện.
“Thầy Trường là linh hồn của cả mái ấm này. Thầy vừa là cha, vừa là mẹ, lại vừa là thầy của tất cả trẻ em khiếm thị ở đây. Thầy đã dành cả một đời để hy sinh cho học trò. Và chúng tôi sẽ tiếp nối công việc ấy”. Anh Nguyễn Tấn Huyến chia sẻ.
Tất cả các công việc như dạy nhạc, dạy vi tính, dạy chữ Braille (loại chữ nổi dành cho người mù) đều là do những thành viên của mái ấm học và hướng dẫn lại cho nhau. Anh Khải, 24 tuổi, hàng ngày dạy vi tính lại cho các em nhỏ, anh Huyến, anh Phú dạy đàn, còn những bạn cùng học với nhau sẽ chỉ cho nhau làm bài tập. Bé Đức, 7 tuổi, thành viên mới nhất của mái ấm chưa thạo chữ Braille, tối tối sẽ được các anh lớn kèm, đọc bài cho tập viết chính tả.
Hàng ngày, các bạn thức dậy lúc 7 giờ, tập thể dục, ăn sáng, đi học. 3 giờ chiều là giờ học vi tính, 5 giờ hằng ngày sẽ có lớp nhạc. Buổi tối là giờ sinh hoạt, đi làm hoặc ôn lại bài. Tất cả các thành viên của mái ấm sẽ làm theo những kế hoạch hằng ngày như thế. Các bạn không có nhiều thời gian rảnh vì phải học nhiều thứ, nhưng mọi thứ đều được làm cùng nhau, cùng với những người bạn giống như mình. Có lẽ vì vậy mà ai cũng vui vẻ và lạc quan.
Chỉ vào cậu bé tên Đức, Chị Loan, quê ở Tây Ninh, phụ nấu ăn cho mái ấm kể với chúng tôi: “Hồi đó mới vào, thằng cu Đức nó im thin thít à, ai hỏi mặc kệ, chẳng chịu nói gì hết trơn. Đó cô coi, bây giờ nó nói tía lia có trời mới nghe nổi. Ở đây nó vui vì có bạn bè chơi cùng, chứ ở nhà nó cứ một mình hoài, chắc buồn chết”.
Chị Loan nói đến đó, chúng tôi lại nghe trong nhà có tiếng của Đức với bạn nói to: “Giờ tập đánh lại bài Đàn gà con nha, lần này là phải cố không có “bể dĩa” nữa nha!”…
Tiếng đàn cứ thế sôi nổi trong một thế giới không nhiều hơn màu đen. Để khi một lần ghé lại, người ta vẫn có thể cảm nhận được những thanh âm tốt đẹp của cuộc sống vang vọng giữa lòng Sài Gòn tất bật của nhiều lắm bộn bề.
Theo zing