“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Câu này nghe qua tưởng là để động viên chị em ráng làm đẹp nhưng thực tế lại tạo ra nỗi ám ảnh khôn nguôi, bởi đã là phái đẹp chẳng ai muốn mình bị xếp vào nhóm ‘không biết làm đẹp’. Nhưng làm đẹp đâu có dễ.
Cái đẹp quan trọng nhất là sự phù hợp, phù hợp với hoàn cảnh, với thời điểm, với các mối quan hệ xã hội, nhưng trước hết là phù hợp với chính bản thân mình. (ABC)
Chính vì làm đẹp không dễ, nên mới xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười và những tình huống bi hài, kể cả với những người nổi tiếng.
‘Lady in black’
Chị A., nhân viên văn phòng đại diện một hãng nội thất có tiếng ở Hà Nội, có khuôn mặt xinh xắn, da trắng, mắt to, nhưng lại luôn nghĩ mình béo. Cả tủ quần áo của chị toàn màu đen. Bất cứ khi nào ra ngoài chị cũng diện màu đen xì như quạ, báo hại những bức ảnh có chị luôn luôn bị một màu đen làm cho u ám hẳn đi.
Bạn bè, đồng nghiệp đều bảo chị không béo mà chỉ đậm người, mặc đồ vừa vặn không bó sát là có dáng đẹp, không nhất thiết phải dùng đồ đen. Chính chị cũng nhận thấy sự không bình thường trong tủ quần áo của mình nhưng không đủ tự tin nếu diện trang phục màu sáng.
Sự ám ảnh này khiến cho những người bán quần áo cho chị không dám chào hàng màu sắc khác vì sợ chị cự tuyệt. Những ai muốn gửi thiệp cưới cho chị cũng e ngại vì biết chắc chị sẽ mặc cả cây ’hắc mô ni” đến mừng hạnh phúc trăm năm của họ!
‘Chất nghệ’ gặp trời mưa
Chị B. làm trong ngành quảng cáo. Mặc dù không sắc nước hương trời nhưng bù lại, chị có nước da đẹp, cổ cao và đôi tay nõn nà. Chính vì thế, chị muốn khoe tối đa những lợi thế này của mình bằng cách mặc áo cổ rộng, ngắn tay hoặc không tay áo. Việc ăn mặc như vậy khiến chị được chú ý nhưng cũng làm chị điêu đứng bởi sức khỏe của chị không được tốt nên hết viêm họng lại cảm cúm, đau vai, đau cổ.
Những ngày thu se lạnh như mấy hôm nay, có ai quan tâm thì chị bào chữa bằng đủ mọi lý do, mặc áo có cổ thì ngứa ngáy, áo có tay thì to vai… Dường như chỉ có cái lạnh cắt da của mùa đông mới có thể che đi cái cổ ấy, cánh tay ấy, những thứ đẹp nhất ấy của chị, những thứ mà chị có thể đánh đổi cả sức khỏe của mình để khoe ra.
Hậu quả là những người làm việc chung với chị không được dùng máy lạnh mùa hè dù nóng vã mồ hôi và chốc chốc lại nghe tiếng ho, khạc của chị vì bị viêm họng. Chưa kể, lắm khi còn phải chăm sóc chị bị cảm bất ngờ vì thời tiết thay đổi.
Chưa kịp đẹp đã mang tật
Cô bé C., học lớp 12, khá xinh với nước da bánh mật mịn màng. Mọi người trong gia đình đều trắng trẻo hoặc có nước da hơi tái chứ không ai có làn da khỏe mạnh, ròn ròn như em.
Chỉ vì một lần bạn bè trêu là chẳng giống cả bố, cả mẹ mà C. ghét làn da của mình. Em tìm mọi cách để làm trắng da, từ dùng kem dưỡng trắng, mặc đồ tôn trắng da, đến thoa trộm phấn của mẹ cho mặt trắng trẻo, chụp ảnh cũng phải chọn hướng lợi sáng nhất. Chưa an tâm, C. còn bỏ tiền ra tắm trắng.
Da trắng chẳng thấy đâu nhưng C. bị hội chứng bào mòn mỏng da do dùng quá nhiều mỹ phẩm. Da cứ bóng nhẫy, căng mọng và rất rát khi đi ngoài trời nắng hoặc tiếp xúc với quần áo thô dày. Hiện tại, việc chạy chữa không biết đến khi nào mới đỡ và bác sĩ còn cảnh báo nếu C. không dừng ngay những thuốc có hại thì nguy cơ bị ung thư da là rất lớn.
Phá tướng và cải tướng
Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, nhiều người tin tưởng rằng, các đường nét trên gương mặt, gọi là tướng mạo, có liên quan đến số phận sang hèn, hên xui của họ.
Chị D. sinh ra trong gia đình mà bảy anh chị em đều có mắt một mí. Khi lấy chồng và qua Australia định cư, chị bị mẹ chồng chê là mắt một mí ‘phá tướng’. Thế là chị quyết đi cắt mí cho mắt to ra. Thay vì duyên hơn, giờ mắt chị lúc nào ngước lên cũng mở trừng trừng, khiến cho nhiều người bị ác cảm ngay lần đầu tiếp xúc. Do công việc phải tiếp xúc nhiều khách hàng, nên chị phải tập thói quen nhìn xuống, thay vì nhìn thẳng tự tin khi đối diện với người khác.
Báo Sydney Morning Herald từng nêu trường hợp cô Danielle Hồ, sinh ra ở Australia trong gia đình gốc Việt và thừa hưởng cái mũi không được cao. Từ nhỏ, Danielle liên tục được nhắc nhở rằng, cô sẽ có một dung mạo khác đẹp đẽ hơn nếu cô chịu về Việt Nam phẫu thuật nâng mũi. Nhưng cô bé 15 tuổi đã cương quyết cự tuyệt, nhất định không chịu dụng vào dao kéo. Báo này cũng nói đây là trường hợp từ chối hiếm hoi trong khi phong trào phụ nữ Á châu tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi hình dung ngày càng tăng.
Cô E. mới qua Úc được hai năm, và trước khi đi cũng đã sửa mũi tẹt để “cải tướng cho được sang trọng”. Khi còn ở Sài Gòn, cô khá nổi tiếng là ‘quậy’, hay gây lộn và chỗ nào có trò vui là có mặt. Nhưng từ khi nâng mũi, E. thay đổi hoàn toàn tính cách. Bây giờ “hễ thấy ai cãi lộn hoặc gây chuyện là tránh xa, kẻo bị đập bể mũi thì khốn”, E. tâm sự.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn?
Nutrimetics, công ty mỹ phẩm hàng đầu của Australia hồi năm ngoái công bố kết quả thăm dò về thái độ của phụ nữ Australia với việc làm đẹp. Nghiên cứu phỏng vấn gần 2.000 phụ nữ từ 13 đến ngoài 60 tuổi trên toàn Australia. Theo đó, có trên 60% phụ nữ Australia cho rằng, vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ là hình thể, mà còn cả tính cách, sự thành đạt, và ý thức về bản thân.
Gần như tuyệt đối (trên 95%) các bà ,các cô đều cho rằng vẻ đẹp nội tâm (inner beauty) mới là quan trọng nhất. Điều này nghe quen như câu ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn’ mà người Việt Nam nào cũng thuộc nằm lòng và nếu có điều tra ở Việt Nam, thì chắc có đến 100% người đồng ý như vậy!
Nhưng cuộc khảo sát này cũng tiết lộ, mỗi ngày phụ nữ Australia dành ra ít nhất 24 phút, tương đương 146 giờ mỗi năm, cho việc trang điểm. Đó là chưa kể số thời gian khó mà thống kê nổi dành cho việc đi mua sắm quần áo, trang sức, làm tóc, làm mặt ở tiệm, và cả dành cho việc nghĩ và nói về làm đẹp – một chủ đề bất tận của chị em. Xem ra dù tin rằng ‘nước sơn’ không quan trọng bằng ‘gỗ’ nhưng vốn thời gian và tâm huyết chị em bỏ ra cho ‘nước sơn’ không ít chút nào!
Thử nghe lời chia sẻ của chị F., một nhân viên văn phòng bình thường: “Cái đẹp quan trọng nhất là sự phù hợp, phù hợp với hoàn cảnh, với thời điểm, với các mối quan hệ xã hội, nhưng trước hết là phù hợp với chính bản thân mình từ ngoại hình, đến tính cách và tâm hồn”.
Nói ngắn gọn thì giống như bất kỳ việc gì phải làm ở đời, ‘làm đẹp’ cũng cần phải học hỏi bởi thực tế nếu làm đẹp không đúng thì kết quả nhãn tiền sẽ là làm xấu!
Nguồn Sưu tầm