Tác giả: Eric-Emmanuel Schmitt
Thể loại: Tiểu thuyết; truyện ngắn;
Đối tượng: tất cả bạn đọc
Dịch giả: Nguyễn Đình Thành
Nhà xuất bản: Văn học
Số trang: 97
Giá sách: 24.000 VND
Câu chuyện kể về Jun, một cậu bé 15 tuổi gầy gò bướng bỉnh, mang trong mình những chấn động tâm lý, hệ quả của một tuổi thơ trầm uất. Cha cậu tự tử vì sức ép công việc quá lớn. Mẹ cậu là một người hiền lành, tốt bụng quá mức, nhưng lại xa lạ và không dành cho cậu tình yêu nhiều hơn bà đối với những người xung quanh. Cô đơn và lạc lõng, cảm thấy mình không được yêu thương, Jun bỏ nhà ra đi. Cậu lang thang đến Tokyo, kiếm sống qua ngày bằng cách bán tranh ảnh và những thứ đồ rẻ tiền tại các khu phố sầm uất và phức tạp của Tokyo sôi động. Cuộc sống giành giật miếng cơm manh áo khiến Jun tự biến mình thành một chàng trai nhỏ lầm lì, nổi loạn, căm ghét cuộc sống và mắc bệnh dị ứng với con người, kể cả bản thân. Jun tự nhìn nhận mình như một cá thể xấu xí, dị dạng, trôi nổi bên lề cuộc sống.
Cho đến một ngày, Jun gặp một ông lão qua đường. Ông nói với cậu: “Ta thấy một người to lớn trong cậu”. Ông lão kiên trì lặp lại điều này khi ông đi ngang qua Jun mỗi ngày. Ban đầu, Jun phản ứng với sự ngoa ngoắt của một con nhím xù lông bị xúc phạm, nhưng câu nói thấm dần vào cậu, làm nảy sinh trong cậu lòng tò mò khó cưỡng lại và một sự tự vấn mơ hồ. Nhận được lời mời từ ông lão, Shomintsu, vốn là chủ nhân một lò đào tạo các đô vật Sumo nổi tiếng của Tokyo, Jun lần đầu tiên tiếp xúc với môn thể thao này và phát hiện ra những điểm đặc biệt thú vị của nó. Cậu bằng lòng từ bỏ cuộc sống đầu đường xó chợ, gia nhập vào đội ngũ học trò của Shomintsu và chăm chỉ luyện tập. Jun phải học cách điều khiển cơ thể, học cách lắng nghe bản thân, quan sát và hòa mình vào cuộc sống tập thể chung quanh. Lạ kì thay, cậu bé vốn mắc bệnh dị ứng với con người lại có thể sống được giữa những “túi mỡ hai trăm ki lô búi tóc” (cách Jun vẫn luôn nghĩ về những đô vật Sumo). Được kiên trì chỉ dẫn và yêu thương, Jun dần dần trưởng thành. Cậu trở thành một đô vật Sumo có tiếng. Cậu hiểu ra nhiều điều. Jun nhìn lại tuổi thơ mình từ một góc nhìn khác và cảm nhận được tình cảm của người mẹ mù chữ tội nghiệp mà bấy lâu nay cậu chối bỏ. Tương lai đột nhiên trở nên rõ ràng đối với Jun. Cậu đã tìm được con đường đi của mình, có được một người để yêu thương, và có cả một gia đình mong chờ cậu trở về.
Sumo
Bằng giọng kể đượm vẻ dí dỏm và giản dị, Eric Emmanuel Shmitt đã đem đến cho chúng ta một câu chuyện ngụ ngôn thú vị về cuộc sống và con người. Toàn bộ câu chuyện mang màu sắc lạc quan, gắn trong bối cảnh của một Nhật Bản hiện đại, nền văn hóa vốn khiến cả thế giới tò mò và ngưỡng mộ, dù đôi lúc có chút e dè. Tinh thần võ sĩ luôn được thể hiện, từ cách cậu bé Jun bướng bỉnh đương đầu với cuộc sống khó khăn, đến cách ông chủ lò vật kiên trì thuyết phục và dẫn dắt cậu, không bao giờ từ bỏ niềm tin nơi cậu, và cả khi Jun dũng cảm từ bỏ những thành công đã đạt được trên sàn đấu để bắt đầu lại từ con số không, tạo dựng tương lai theo cách mà cậu mong muốn. Tinh thần võ sĩ và sự lạc quan cũng thể hiện ở hai nhân vật nữ hiếm hoi xuất hiện trong truyện: người mẹ bệnh tật của Jun và cô gái mà cậu yêu mến. Căn bệnh lạ khiến mẹ Jun không thể biểu lộ cho Jun thấy tình yêu vô hạn mà bà dành cho con trai, nhưng bà chưa bao giờ ngừng cố gắng. Không biết chữ nhưng bà vẫn đều đặn viết thư cho Jun theo cách riêng của bà. Tuy Jun chưa bao giờ tiếp nhận tình cảm của mẹ, người đọc vẫn có thể thấy được mối dây đồng cảm giữa hai mẹ con xuyên suốt câu chuyện. Chính bà là người đã nhờ vả ông lão Shomintsu, vốn là bác ruột của bà, chăm sóc cho Jun. Như vậy, cũng chính bà là người đã kéo con trai mình ra khỏi hố sâu tăm tối mà cậu bé dấn thân vào. Người phụ nữ thứ hai là người yêu của Jun. Cô đại diện cho tầng lớp phụ nữ Nhật hiện đại, xinh đẹp, thông minh, xuất thân từ gia đình giàu có. Cô có mục đích sống của mình, kiên trì hết mức để đạt đến mục đích ấy, chưa bao giờ mất lòng tin. Cô dũng cảm nói ra suy nghĩ và mong muốn của mình đối với cuộc sống tương lai, đối với người mà cô sẽ lấy làm chồng. Cô mang lại cho ta một cái nhìn khác về phụ nữ Nhật, vốn được cho là có phong cách sống tuyệt đối thuận theo truyền thống, khép kín và đầy lễ nghi.
Như một nhà phù thủy về tâm lý, Emmanuel Schmitt cũng chỉ cho ta thấy cách lắng nghe và cảm nhận chính bản thân mình. Dõi theo hành trình của Jun, người đọc có thể phát hiện những phương thức hiếm có để nhìn nhận và đánh giá bản thân. Chúng ta học được từ câu chuyện của Jun sức mạnh của lòng tin, ý nghĩa của việc được yêu thương, và cách chúng ta tôn trọng chính mình có thể hàn gắn nỗi đau và vực con người khỏi sự tuyệt vọng tăm tối như thế nào. Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều truyền cho ta cảm hứng để cố gắng vượt qua chính mình, tìm được bản ngã chân thật và vươn tới hạnh phúc cùng những kỳ vọng cho tương lai. Sự thẳng thắn và dũng cảm của Jun khiến ta khâm phục. Sự uyên bác và niềm tin vững chắc của ông lão Shomintsu khiến ta kính trọng. Tình yêu thương và sự nhạy cảm của người mẹ tội nghiệp khiến ta động lòng. Sự hiểu biết và tính thẳng thắn chân thật của cô gái Jun yêu khiến ta cảm mến. Hiếm khi một câu chuyện giản dị, trong sáng và mộc mạc có thể mang lại cho ta niềm xúc động và những trải nghiệm sâu sắc đến thế.
Đúng như tờ Le Point của Pháp đã nhận định về cuốn sách này: “Ai cũng có thể nhận ra mình trong đó.” Cũng như Jun, tôi đã luôn nghĩ mình không phải là người có ý chí mạnh mẽ. Tôi dễ nản và bỏ cuộc. Nhưng khi đọc những lời của ông chủ lò vật Shomintsu nói với Jun, tôi đã nhận ra rằng, có lẽ ý chí của tôi thực chất không phải là yếu: “Ý chí của con rất mạnh…Con tìm ra cả ngàn lí do để tránh cái con đã quyết định làm. Trên thực tế, con có cả khối ý chí, nhưng đó là ý chí tồi. Thật tiếc vì con đường để đi lên cũng giống như con đường đi xuống” (trang 56). Tôi cũng sẽ phải như Jun, học cách chuyển những năng lượng và sự kiên trì ương bướng khi nghĩ ra đủ thứ lý do để chấp nhận thất bại của mình, biện hộ cho nỗi sợ hãi và niềm thất vọng khó chịu đựng, thành niềm tin và động lực để hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra. Điều này không phải là dễ, nhưng tôi đã đang bắt đầu rồi, và tôi sẽ không để bất cứ lý do hay lời nói nào làm mình ngã lòng đâu!