Nhầm lẫn giữa danh và thực, chẳng đau lòng lắm sao?
Cà phê chiều thứ bảy
Không ít lần trong cuộc sống ta bắt gặp những danh thiếp kiểu như: Nguyễn Văn X, nghị sĩ Quốc hội, bác sĩ, tiến sĩ, nhà văn… hay Hoà thượng Y, Uỷ viên ban chấp hành, chủ tịch hội, thư ký văn phòng… Đó là một kiểu xưng danh. Gặp ai, liên hệ chuyện gì ta cũng cần phải xưng danh để cho tiện việc, và tiện liên lạc về sau.
Nhưng xin chớ có lầm giữa danh và thực!
Chuyện kể rằng, có một vị thống đốc Kyoto nghe tiếng thiền sư Keichu nên mới đến viếng thăm. Người thị giả trình tấm danh thiếp của viên thống đốc, trên đó ghi: “Kitagaki, Thống đốc Kyoto”.
Thiền sư Keichu bảo người thị giả: “Ta chẳng liên quan gì đến người này. Bảo ông ta rời khỏi đây ngay”.
Người thị giả mang trả tấm danh thiếp với lời xin lỗi. Viên thống đốc nói: “Đó là lỗi của tôi”.
Rồi ông ta lấy bút chì gạch bỏ ngay dòng chữ “Thống đốc Kyoto” và nói: “Xin thưa lại với sư phụ lần nữa”. Lần này, thiền sư vừa nhìn thấy tấm danh thiếp đã kêu lên: “Ồ, là Kitagaki đó sao? Ta muốn gặp ông ta.”
Ở đây ta bắt gặp hai tinh thần thiền lớn. Thiền sư Keichu không vì hai chữ “thống đốc” mà gợn sóng lòng. Còn mang hai chữ “thống đốc” là còn mang danh, là còn chưa buông bỏ được, là còn chưa nói chuyện với nhau được. Đạo đã không đồng thì khó mà nói chuyện với nhau.
Ngược lại về phía Thống đốc Kitagaki cũng thật đáng khen. Ngài kịp nhận ra lỗi lầm của mình “chưa tẩy trần mà muốn gặp Phật”, cho nên tự giác sửa chữa.
Tinh thần buông bỏ danh vị “thống đốc” để chỉ còn là Kitagaki xin gặp thiền sư chính là tinh thần của đốn ngộ hốt nhiên thành Phật vậy!
Đấy chính là ý vị của phương Đông.
Khi tuồng hát giãn rồi, màn nhung khép lại, chiêng trống cũng ngừng đánh, đào kép tẩy trang, mình lại là mình. Sân khấu đời cũng vậy mà thôi.
Ta lại là ta. Đó mới là thực.
Nhầm lẫn giữa danh và thực, chẳng đau lòng lắm sao?
Nguồn Ngôi sao
Xem thêm bài viết Những Niềm Tin Dẫn Bạn Tới Thành Công Và Thất Bại