Tác giả: Amelie Nothomb
Thể loại: tiểu thuyết
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Người dịch: Thi Hoa
Số trang: 239
Gía tiền: 41.000 VND
Trong cuộc sống, có lẽ tình yêu là điều thiêng liêng và kỳ diệu nhất. Đã có biết bao thi sĩ, danh nhân thử một lần định nghĩa nhưng vẫn không thể thể hiện hết bản chất của tình yêu. Bởi tình yêu muôn màu muôn vẻ, mỗi câu chuyện tình là một bài ca riêng biệt, độc đáo. Thật lạ lùng khi có những con người cách xa nhau vạn dặm lại gặp nhau và dành cho nhau những tình cảm bất tận. Vòng tay Samurai chính là một cuốn tự truyện kể về một thiên tình sử như thế.
Marianne đã phải thốt lên: “Ta có thể tìm thấy tất thảy trong thiên diễm tình giữa Đông- Tây này… Độc giả của Amilie chẳng còn gì phải phàn nàn nữa, nhất là trước một ‘thương hiệu’ vốn đã được khẳng định từ lâu”- Marianne Payot, L’ Express
Đây chính là cuốn tự truyện của Amilie Nothomb kể bằng chính tên thật của mình về mối tình với một chàng trai Nhật thuộc gia đình giàu có khi cô đến với đất nước Nhật Bản kỳ thú.
Bắt đầu với mẩu tin rao vặt cô để lại ở siêu thị: “Nhận dạy kèm tiếng Pháp, giá phải chăng”. Cô- một du học sinh học tiếng Nhật, nhận được hồi âm từ một chàng sinh viên Nhật Bản năm 3 ngành tiếng Pháp. Với anh chàng nói tiếng Pháp kinh hoàng ấy, tưởng chừng việc dạy của cô giáo trẻ rơi vào ngõ cụt. Một nhầm lẫn khá thú vị khơi mào cho câu chuyện đó là chàng trai trẻ vụng về sai lỗi phát âm, gọi cô giáo là “cô bồ” khi giới thiệu cô giáo với bạn bè. Thế rồi, những buổi học diễn ra đều đặn hàng tuần trở thành những cuộc hò hẹn thú vị, và chàng trai này giúp cô có cơ hội khám phá đất nước và con người nơi đây. Cô không biết rằng tiếng Pháp đã bén duyên đưa họ đến với nhau. Tiếng Pháp đã trở thành nhịp cầu nối liền hai con người ở hai nền văn hóa Đông – Tây, Âu – Á. Cùng với những cuộc dạo chơi, gặp mặt với gia đình và bạn bè, tình yêu đẹp giữa họ bắt đầu nảy nở.
Với bút pháp tự truyện và cái nhìn tinh tế, Amelie đã phác họa bức tranh tuyệt vời về con người và đất nước Nhật Bản. Trong từng trang viết, người đọc dường như cùng hòa mình cùng với đôi uyên ương bước vào hành trình khám phá đất nước mặt trời mọc với những nét hùng vĩ và quyến rũ nhất. Một đất nước cổ kính và trầm lặng, với bầu trời xanh ngắt, mái nhà nặng trĩu mái cong cong, không khí bất động vì băng giá. Một đất nước được thể hiện qua những ngôi nhà được kết hợp giữa cách bài trí truyền thống và hiện đại. Ta bắt gặp cuộc sống sinh hoạt của một gia đình Tokyo “đúng chuẩn” với phong tục chào hỏi lễ nghi, cách giới thiệu và tiếp khách độc đáo… Amilie còn hướng tầm quan sát tài tình của mình đến nét đặc sắc của ẩm thực, nghệ thuật, ngôn ngữ và lối sống con người Nhật Bản với những chi tiết nhỏ bé. Những trang viết của cô còn thể hiện vốn sống, vốn hiểu biết phong phú về văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử và cả tôn giáo. Cô so sánh anh chàng Rinri của mình là Samurai Jesus, so sánh hành động dọn dẹp lại phòng của bố mẹ như Trong khi anh dọn chuồng ngựa của Augias để chuộc tội…”, đó cũng là cách cô ví von với sự tích trong thần thoại Hy Lạp: Một trong những việc mà Héraclès phải làm để chuộc tội giết vợ và các con mình là dọn dẹp chuồng ngựa rộng bao la của vua Augias xứ Elide trong vòng một ngày…
Tưởng chừng thật khó để hai con người ở hai nền văn hóa khác biệt có thể hòa điệu với nhau, nhưng ở đây, chúng ta sẽ bắt gặp một mối tương giao sâu sắc giữa họ. Chàng trai Nhật Bản trân trọng và nâng niu những nét đẹp ở một cô gái Phương Tây, ngược lại cô gái ấy tin rằng mình đã gặp được một người tuyệt vời tại đất nước mà cô yêu thích. Những cuộc hẹn hò của họ luôn gắn liền với hành trình khám phá văn hóa và xứ sở hoa anh đào.
Tất cả thể hiện một tâm hồn thích phiêu lưu, khám phá, khao khát được tự do, được vẫy vùng với điều mình yêu thích của cô gái tuổi 21. Cô không muốn bị ràng buộc bởi bức tường giới hạn của hôn nhân và gia đình. Chính vì lẽ đó, mặc dù được trải nghiệm một tình yêu hoàn hảo với một chàng trai hoàn hảo, cô vẫn tìm cách né tránh lời cầu hôn tha thiết của Rinri. Cuối cùng, cô chọn cách lên máy bay, dùng nó như đôi cánh giúp mình được vút lên bầu trời của tự do. Cô giải thích cho sự chạy trốn tình yêu của mình khi thầm thì với ngọn núi Phú Sỹ: “Chào anh bạn, tôi quý anh lắm. Tôi ra đi nhưng không phản bội anh đâu. Đôi khi bỏ trốn cũng là một hành động của tình yêu. Muốn yêu, tôi cần được tự do. Tôi ra đi để gìn giữ vẻ đẹp tôi cảm nhận được về anh. Đừng thay đổi nhé!”
Quay trở về Bỉ, Amilie sống một cuộc sống rất đỗi bình thường nhưng đổi lại, cô tận hưởng cuộc sống tự do tự tại cùng người chị gái. Cô yêu quý nghề nghiệp của mình là một người nội trợ và được hòa mình vào những trang viết đầy ắp kỷ niệm.
Năm năm sau, cô mới quay lại Nhật Bản trong dịp ra mắt cuốn Hồi ức kẻ sát nhân. Trong chuyến đi này, cô gặp lại người yêu cũ. Trong giây phút định mệnh đó, Rinri đề nghị muốn được ôm cô- người anh đã từng cầu hôn:
“Anh muốn ôm em bằng vòng tay bạn hữu của Samurai”.
Một câu nói có sức mạnh kỳ diệu, thể hiện trọn vẹn tình cảm đích thực giữa cô và chàng trai xứ sở hoa anh đào này. Với một cái ôm kéo dài chỉ trong mười giây, Amilie cảm nhận được tất cả những cảm xúc đã bị chôn chặt trong tim suốt những năm qua. Quả thật, “Vòng tay bạn hữu của samurai. Đẹp hơn và cao quý hơn biết bao so với câu chuyện tình yêu ngốc nghếch” giữa họ hơn bao giờ hết.
Nhật Bản
Không có những tình tiết bất ngờ, gay cấn, “vòng tay samurai” đưa người đọc đến với nhịp tiến đều đều và giản dị như chính cuộc sống. Câu chuyện tình cũng không đi đến đích cuối cùng có hậu, nhưng với lối kể chuyện khéo léo, cách dẫn dắt tinh tế, độc giả vừa cảm thấy nhẹ nhàng vừa cảm nhận sự rung động sâu sa trong tâm hồn. Sau những trải nghiệm của chuyến phiêu lưu tình cảm, chợt nhận ra lưu giữ một tình bạn trong sáng và những gì đẹp nhất của nhau lại là điều đáng quý và đáng trân trọng biết bao.
Câu chuyện không chỉ mang đến cho người đọc cảm giác dễ chịu và thư thái của một tình yêu chân thực, được khám phá một đất nước Nhật Bản đầy hùng vĩ và quyến rũ mà còn đi vào hành trình tìm hiểu những giá trị sâu thẳm của con người Emilie.
“Độc giả, trên hành trình khám phá những lắt léo trong phong tục tập quán của người Nhật Bản, có thể hoàn toàn thỏa mãn, như trước bức ảnh chân dung mà Amilie đã xuất sắc viết nên như một huyền thoại: bức chân dung của chính mình”.