Ngoài xã hội, trong trường học, tình trạng bạo lực, xâm phạm đang ở mức báo động. Vậy, ngay trong gia đình mình, các em bị bạo hành thì ai giúp đỡ?
Trẻ em Việt Nam đang thiếu sân chơi và đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành. (Thế Văn)
Một em nhỏ ở Quảng Ngãi chia sẻ:
“Con muốn nghe bố mẹ chia sẻ nhưng bố mẹ không bao giờ lắng nghe con. Khi con bị điểm kém chẳng hạn, bố mẹ luôn nói những lời làm con buồn và thất vọng. Con thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”.
Đây là những câu hỏi được rất nhiều em đặt ra trong cuộc đối thoại với lãnh đạo nhà nước Việt Nam tại Diễn đàn trẻ em quốc gia 2011, tổ chức ngày 10/8 tại Hà Nội. Với chủ đề ‘Trẻ em với môi trường an toàn và thân thiện’, diễn đàn có sự tham gia của 188 em có từ 10 đến 16 tuổi đến từ 30 tỉnh, thành phố, đại diện cho 24 triệu trẻ em Việt Nam.
Đại biểu nhí Nguyễn Thị Thanh Lý (Quảng Ngãi) đã khiến hội trường sôi nổi khi đặt câu hỏi: “Ai là người bảo vệ chúng con khi chúng con bị chính gia đình mình ngược đãi?”
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) cho thấy so với 10 năm trước, mức độ bạo lực và xâm hại đối với trẻ em trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng gấp 7 lần và trong trường học tăng 13 lần. Bình quân 1 năm có trên 100 vụ giết trẻ em xảy ra trên phạm vi cả nước, 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em với khoảng 900 em.
Ngoài vấn đề bạo lực, xâm phạm thân thể, việc quan tâm về tinh thần của bố mẹ đối với con cái cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Em Nguyễn Văn Tiến Dũng (TP.HCM) và em Xuân Trà (Phú Thọ) cùng phản ánh: hiện tượng bố mẹ sao nhãng với con cái không chỉ xảy ra ở các gia đình nghèo khó mà ngay cả gia đình khá giả hơn tại các đô thị. Người lớn lao đầu vào công việc mà “quên” mất nhu cầu tình cảm và “quên” chăm sóc cho các em. Các em thật sự bối rối, không biết phải làm thế nào. Một bạn ở Quảng Ngãi phát biểu trong xúc động: “Con muốn nghe bố mẹ chia sẻ nhưng bố mẹ không bao giờ lắng nghe con. Khi con bị điểm kém chẳng hạn, bố mẹ luôn nói những lời làm con buồn và thất vọng. Con thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”.
Nhiều em cho biết lúc đến trường còn bị các anh chị lớn bắt nạt, chưa kể khi bị chính các thầy cô giáo của mình bạo hành thì các em thật sự không biết làm thế nào.
Những con số giật mình
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện quyền của trẻ em đến năm 2010 của Bộ LĐ-TB-XH đã chỉ ra một số quyền của trẻ em chưa được thực hiện tốt.
Có 15/37 chỉ tiêu về trẻ em giai đoạn 2001-2010 không đạt: nhóm chỉ tiêu sức khỏe-dinh dưỡng đạt 9/9 chỉ tiêu; nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 2/5; giáo dục đạt 4/7; bảo vệ trẻ em đạt 4/10; văn hóa, vui chơi, giải trí đạt 3/6.
Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao (gần 32%) và Việt Nam là một trong 16 quốc gia có tỷ lệ thấp còi nhất thế giới. Khoảng 15 nghìn trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh chưa được phẫu thuật kịp thời vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tỷ lệ nhập học của trẻ em tăng lên nhưng chất lượng giáo dục chưa được cải thiện nhiều. Nhìn chung, chất lượng giáo dục trẻ em ở Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ…
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị ngược đãi, xâm hại, bóc lột… và tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hàng năm có từ 1.000-1.400 em bị xâm hại tình dục, 2.000-3.900 em bị bạo lực, 12.000-18.000 trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật (trong đó có khoảng 15% phạm tội đặc biệt nghiêm trọng).
Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận tình trạng thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn phổ biến ở nhiều địa phương. Việc quy hoạch, đầu tư và quản lý các điểm và các trung tâm vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương bỏ quên nhiệm vụ này trong nhiều năm qua. Trong khi đó, các dịch vụ game online, việc sản xuất lưu hành các sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em mang tính bạo lực, khiêu dâm chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Lãnh đạo Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết mục tiêu giảm 90% trẻ em lang thang đến năm 2010 đã không đạt được bởi đến nay vẫn còn khoảng 21.000 trẻ em lang thang. Khẩu phần ăn, dinh dưỡng của học sinh miền núi còn thiếu thốn, có bữa chỉ có rau với mắm. Nhiều bạn phải bỏ học vì không đủ dinh dưỡng.
Chưa thấy thỏa đáng
Thừa nhận thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp tư vấn: “Nếu bị ngược đãi trong gia đình mình hoặc phát hiện bạn bè bị xâm hại thì các cháu có thể báo cho các cấp chính quyền từ cấp xã, phòng LĐ-TB-XH hoặc ngay tổ dân phố”.
Tiến sĩ Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em, ‘mách nước’: “Nếu cha mẹ không cho đi chơi, không lắng nghe thì mình phải đề đạt với cha mẹ. Các em hãy so sánh và nói thẳng với bố mẹ của mình: “Tiền rất quan trọng nhưng con cần sự quan tâm của bố mẹ, cần bố mẹ lắng nghe con hơn!”. Cô mong các cháu tham gia đề xuất ý kiến của mình ngay trong gia đình”.
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong những điều cấm với giáo viên có việc nghiêm cấm xâm phạm tình cảm, sức khoẻ các em. “Việc giáo dục từ xưa rất nghiêm khắc nhưng nếu nghiêm khắc quá sẽ ảnh hưởng tới các em”, ông Hiển nói và cho biết Bộ GD-ĐT cũng đã phát động chương trình trường học thân thiện, học sinh tích cực. Riêng với hiện tượng bạo lực học đường, Bộ Công an cùng với Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn xử lý.
“Hình phạt về thể chất lẫn tinh thần trong trường học có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời của bọn cháu”, một đại biểu nhí đến từ tỉnh Phú Thọ đã phát biểu thẳng thắn với ông Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại diễn đàn lần này.
Nguồn Bayvut- Dakota