“Tiền có quan trọng không? Tại sao chúng ta cần có tiền? Và tiền có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta?”
Hẳn có một lúc nào đó bạn cũng tự hỏi mình những câu hỏi trên. Vậy cứ thử hình dung nhé. Thực phẩm bạn ăn mua bằng gì? Tiền. Xe bạn chạy (trong trường hợp bạn có xe) đổ xăng thì phải… trả tiền. Bạn bị bệnh, đi khám bệnh và mua thuốc cũng bằng tiền. Mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều được đem lại bằng tiền. Thử tưởng tượng không còn một đồng xu dính túi thì bạn sẽ sống được bao lâu?
Vậy thì bạn nghĩ tiền có quan trọng hay không? Bạn có thể nói “không, tiền không quan trọng bằng tình yêu, hạnh phúc và ước mơ”. Tôi không phản bác ý kiến của bạn. Nhưng nếu không có tiền thì bạn dùng gì để nuôi dưỡng tình yêu, theo đuổi ước mơ và sống hạnh phúc?
Có một sự thực mà bạn vốn đã biết, nhưng không dám thừa nhận, là tiền rất quan trọng. Nó là phương tiện quan trọng nhất để bạn đạt được những điều mình mong muốn. Thế thì tại sao dù trong suy nghĩ của mình bạn hoàn toàn hiểu rõ mức độ quan trọng của nó, nhưng bạn lại cứ không thích ý tưởng đồng tiền quá quan trọng?
“Bởi vì khi người ta có nhiều tiền thì người ta trở nên tham lam và tồi tệ hơn. Thà nghèo mà trong sạch còn hơn giàu mà bẩn thỉu.” Đây là suy nghĩ của đại đa số mọi người, những người có ít tiền. Và cứ suy nghĩ như vậy thì bạn cũng sẽ chẳng bao giờ có thu nhập được tới mức mà bạn ao ước.
Bạn thấy có gì đó không ổn trong cách suy nghĩ như thế không? Đó là đánh đồng sự giàu có với tội lỗi và xấu xa. Đấy là một cách tự an ủi tâm lý, để mình cảm thấy bằng lòng với cuộc sống thiếu thốn.
Bao nhiêu người giàu có và thành công mà bạn biết thực sự xấu xa? Biết nhé, chứ không phải nghe ai đó kể lại hoặc suy đoán. Và trong trường hợp bạn thực sự biết một số người như vậy, họ có đủ để đại diện cho tất cả những người giàu chân chính khác?
Thực tế, sự khác nhau giữa người nghèo và người giàu không phải ở mặt đạo đức mà ở mức độ tự do của họ đối với đồng tiền. Người nghèo phải làm việc quần quật để kiếm tiền sống qua ngày đoạn tháng, người giàu bắt đồng tiền làm việc và họ có thời gian để làm việc khác, những điều mà họ yêu thích. Nói trắng ra, người nghèo cực khổ hơn người giàu. Sự thật là thế đấy
.
Bạn có thể nghĩ: “Làm sao mà ai cũng giàu hết được? Người giàu càng giàu thêm, người nghèo càng nghèo thêm.”
Vâng,trong hiện tại thì đó là một sự thật. Nhưng nếu cứ giữ cái suy nghĩ đó thì bạn cũng có thể sẽ nghèo thêm đấy. Nếu bạn chỉ biết ở đó than vãn và chỉ ra những mặt tiêu cực trong đời sống thì sao nào? Ai đó sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề à?
Nếu bạn có lý tưởng giúp người nghèo thoát nghèo thì bản thân bạn nên là một người giàu có. Bởi vì chỉ khi bạn có điều kiện thì bạn mới có thể giúp đỡ những người khác. Suy nghĩ của bạn chính là giới hạn của bạn. Bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ tìm cách làm cho bằng được. Bạn nghĩ mình không làm được, thì thôi, nó đã kết thúc ở đó rồi.
Tóm lại, nếu thực sự có ước mơ và muốn một cuộc sống hạnh phúc, bạn cần có tiền. Đây cũng là ý nghĩa của đồng tiền. Nó là phương tiện để bạn đạt được những điều trên. Không hơn không kém.
Bạn lại nói: “Ờ, thì tiền quan trọng thế đấy. Nhưng tôi cực khổ làm việc bao năm qua nhưng vẫn nghèo đây.”
Tôi khuyên bạn nên đọc sách Bí mật tư duy triệu phú của T. Harv Eker và bộ Dạy con làm giàu của Robert Kiyosaki. Trong đó có hướng dẫn chi tiết cách thức để bạn thay đổi từ tư duy đến hành động để có cuộc sống sung túc và thịnh vượng.
Còn tạm thời, bạn có thể áp dụng cách chia thu nhập do T. Harv Eker hướng dẫn để không thường xuyên tự hỏi “Quái, sao tiền vào túi mình cứ bay đi đâu mất?” như sau:
Bạn bỏ 10% thu nhập hàng tháng của mình vào tài khoản “đầu tư tự do”. Đây là chỗ tiền bạn dùng để đầu tư, không dùng vào bất cứ mục đích nào khác.
10% khác cho vào tài khoản “tiêu xài thoải mái”. Đây là phần bạn cần giải ngân hàng tháng. Bạn dùng nó vào bất cứ điều gì mình thích để cho bạn có cảm giác mình được tận hưởng cuộc sống thoải mái.
10% cho vào tài khoản “tiết kiệm chi tiêu” nhằm phòng hờ trường hợp bạn cần gấp tiền khi gặp nguy biến.
10% nữa cho tài khoản “học tập, giáo dục”. Đây là tiền bạn dùng để nâng cao kiến thức và học những gì bạn cho là cần thiết.
55% thu nhập hàng tháng dùng cho việc chi tiêu hằng ngày.
5% còn lại để cho đi (hoặc làm gì đó thì tùy bạn).
Đây là cách chia thu nhập từng tháng của T. Harv Eker, tác giả của Bí mật tư duy triệu phú. Đừng cứng nhắc, bạn có thể điều chỉnh tùy ý theo hoàn cảnh riêng của mình. Ý tưởng ở đây là bạn chia thu nhập của mình ra nhiều phần, mỗi phần có vai trò riêng sẽ giúp bạn không bị rối trí và hạn chế trường hợp tiêu xài quá trớn số tiền của bản thân.
Vậy đó, giàu hay nghèo, thịnh vượng hay suy thoái đều nằm trong tầm tay bạn. Bạn có thể làm được. Bạn tin không? Người giàu tin như thế. Đó là lý do tại sao họ cứ giàu thêm.
Kế Thắng