Nguyên tắc: Nới rộng niềm tin bị giới hạn
Thời còn thơ bé, dường như ai ai cũng đều ấp ủ cho mình một giấc mơ thần tiên và kỳ diệu. Lớn lên đôi chút, những mơ ước của chúng ta gắn liền hơn với cuộc sống hơn, nào là trở thành một thầy giáo nghiêm khắc cầm cây thước múa máy trước lớp, nào là cô bác sỹ đầy vẻ chững chạc, nào là cô thợ may chuyên nghiệp… Thế rồi, trưởng thành cùng năm tháng chúng ta vô tình đánh mất những giấc mơ ngọt ngào và tươi đẹp đó, thậm chí còn nghĩ rằng mơ ước chỉ dành cho trẻ con mà thôi, cuộc sống thực là phải ngày ngày bon chen, vất vả với cuộc sống miếng cơm manh áo. Vì sao vậy nhỉ? Phải chăng vì chúng ta nghĩ rằng mình có khả năng sẽ nắm bắt được thành công trong tầm tay? Nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng mình không có tài ăn nói, mở rộng quan hệ rộng rãi; không biết cách để đầu tư kinh doanh lớn… Chúng ta không thể sống với những ước mơ thành công. Chúng ta luôn bị giới hạn bởi một niềm tin tiêu cực rằng tôi không thể.
Bạn biết không? Xóa bỏ niềm tin giới hạn của mình chính là bước đầu tiên, quan trọng nhất để tiếp cận với cánh cửa của thành công. Bạn có thể học cách nhận biết rằng niềm tin của mình đang bị hạn chế như thế nào và sau đó thay chúng bằng niềm tin tích cực “tôi có thể biến ước mơ thành hiện thực”. Đây là một trong những nguyên tắc thành công mà nhà giáo dục học nổi tiếng Jack Canfield đề cập đến trong quyển sách Những Nguyên Tắc thành công.
Bạn có khả năng
Mặc dù hiện nay chúng ta dễ dàng tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, hỗ trợ cho mọi công việc, chưa bao giờ kiến thức lại được phổ biến rộng rãi và đơn giản như bây giờ, nhưng chúng ta luôn chọn cho mình cách nói về bản thân mình “Tôi không thể làm được điều đó. Tôi không biết cách. Không ai chỉ cho tôi. Tôi không thông minh đủ để thành công…”
Những suy nghĩ này đến từ đâu? Jack Canfield cho rằng chúng xuất phát từ khi chúng ta còn bé. Lúc chúng ta đang còn được che chở trong vòng tay của cha mẹ, bất kể chúng ta có làm được điều gì đó hay không, chúng ta vẫn thường được nghe lời phản hồi tương tự như sau: “Con không làm được điều đó đâu. Để mẹ. Lớn lên chút nữa rồi hãy làm nhé!”
Cũng vậy, khi còn bé, nếu chúng ta lỡ làm sai chuyện gì đó (không ai là có thể luôn luôn đúng), chúng ta thường nghe người lớn phản ánh “Con với cái làm gì cũng chẳng ra hồn”, “Đúng là đồ hậu đậu”…Và những câu nói đại loại như thế cứ lập đi lập lại làm chúng ta tin rằng mình chẳng làm nên trò trống gì cả.
Bạn có khả năng và bạn đáng được yêu
Tin rằng mình có thể vượt qua thử thách và đáng được yêu thương được xem là hai cung bậc quan trọng nhất của tinh thần tự trọng.
Tin rằng bạn có khả năng làm gì đó sẽ mang lại cho cuộc đời bạn có ý nghĩa thực sự. Bạn không còn sợ hãi, lo lắng, thất vọng vì nghĩ rằng mình không có giá trị.
Và hãy tin rằng bạn xứng đáng được yêu thương và tôn trọng, xứng đáng được mọi người quan tâm, chăm sóc.
Bạn có thể vượt qua những giới hạn về niềm tin vào bản thân
Nếu chúng ta tin rằng mình không có khả năng hay không đáng được yêu thương, chúng ta thường tự dằn vặt, đau khổ với bản thân:
- Tôi không thông minh/ hấp dẫn/ giàu có/ trưởng thành…đủ
- Phụ nữ không thể hậu đậu như tôi được
- Mọi người không bao giờ để tôi đảm đương dự án mới
Cách để vượt qua niềm tin bị giới hạn
- Xác định niềm tin bị giới hạn nào mà tôi muốn thay đổi: Bạn hãy dành thời gian ngồi xuống, viết ra một danh sách những điều gì xưa nay mình tự giới hạn mình. Bạn cũng có thể nhờ bạn bè thân thiết của mình suy nghĩ về những điều mà các bạn nghe từ ba mẹ, thầy cô giáo, những người lớn…giới hạn khả năng của bạn. Chẳng hạn như:
Mày thật ngớ ngẩn, Mày không đủ thông minh để tiếp tục học đại học, Tôi không thể học đại học, Cứ làm như tiền treo trên cây vậy, đừng có mơ, Con không thể làm được điều gì tốt sao?; Tôi không thể làm gì ra trò. Tôi mặc kệ; Mọi người không muốn nghe cái rắc rối của bạn đâu; Con trai không được khóc; Không nên tâm sự về cảm xúc của tôi, đặc biệt là những chuyện buồn. Chúng làm tôi trông có vẻ yếu đuối làm sao; Hãy xử sự cho đúng một cô gái; Tôi không được mạnh mẽ quá; Không ai chú ý đến ý kiến của cô đâu; Những gì mình nói ra đâu có quan trọng - Xác định niềm tin đó giới hạn bạn như thế nào?
- Xác định những gì bạn muốn mình cảm thấy, hành động và trở thành
- Đưa ra câu phát biểu ngược lại, cho phép bạn cảm thấy, hành động theo cách mới này.Ví dụ : Niềm tin bị giới hạn: Tôi phải tự làm mọi thứ. Không nên nhờ ai đó giúp đỡ. Đó là dấu hiệu của sự yếu đuối, bất lực.
Cách này giới hạn tôi: Không nhờ người khác hỗ trợ, tôi bị quá tải công việc và hoàn thành mọi thứ quá trễ.
Tôi muốn cảm thấy thoải mái khi nhờ ai đó giúp đỡ mình. Việc nhờ vả không làm tôi trông yếu đuối. Tôi muốn giao phó cho người khác vài thứ không thuộc sở trường và tôi không muốn ưu tiên chúng vào quỹ thời gian của mình.
Mọi thữ vẫn ổn nếu tôi nhờ vả người khác. Tôi đáng nhận được sự trợ giúp.
Một vài ví dụ về câu phát biểu ngược lại
- Giới hạn: Là không tốt nếu tôi tập trung vào nhu cầu của bản thân
- thay đổi: Nhu cầu của tôi cũng quan trọng như những người khác
- Nếu tôi thể hiện cảm xúc thật, mọi người sẽ nghĩ tôi yếu đuối và lợi dụng tôi
- Tôi càng thể hiện thật về mình, mọi người càng yêu thương, tôn trọng và hỗ trợ tôi
- Tôi có thể làm được nhiều việc, mỗi lúc tôi sẽ thử một việc, mọi thứ sẽ dần tốt hơn
Bạn thấy đấy! Những gán ghép mọi người vô tình đặt cho chúng ta dường như đã in sâu vào suy nghĩ của mình. Chúng đè bẹp và làm chúng ta không thể đứng lên bằng khả năng thực sự của mình. Thay vào đó, tại sao chúng ta lại không tự khẳng định giá trị của mình và đi đến bất cứ nơi đâu mình muốn? Tin rằng bạn có thể thành công và bạn sẽ thành công. Tin rằng bạn đáng được yêu và bạn sẽ nhận được tình yêu. Hãy tin là mọi thứ sẽ trở thành hiện thực với niềm tin mở rộng của bạn.
Những sự thay đổi này cần phải hướng đến mục tiêu bạn muốn đạt được. Để từ những suy nghĩ kìm hãm bạn, những câu tích cực sẽ trở thành động lực giúp bạn tin vào bản thân và đi đến nơi bạn muốn đến trong cuộc đời mình.
Bạn cần để những ý nghĩ tích cực này lớn lên trong bạn như chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Lập đi lập lại những câu nói đó vài lần trong một ngày trong ít nhất nhất một tháng.