Susan Boyle – Thiên thần xấu xí
Tác giả: John Macshane
Nhà xuất bản Phụ nữ.
Số trang: 385
Giá bìa: 85000
“ Thứ Sáu, ngày 10 tháng Tư năm 2009 chính là ngày trước cơn bão. Chương trình Britain’s Got Tanlent ghi hình từ trước sẽ được phát sóng vào 7:45 tối hôm sau trên kênh ITV và cánh báo chí đã bắt đầu đoán già đoán non. Chắc hẳn sẽ xảy ra điều gì đó. Tuy nhiên, không ai có thể dự đoán chính xác đó là điều gì, cũng như tầm cỡ của những gì sẽ xảy ra sau đấy. Làm sao họ có thể đoán được? Làm sao bất kì ai lại có thể sẵn sàng cho vụ nổ sắp bùng phát ấy?”
John McShane đã khởi sự cuốn sách viết về “hiện tượng toàn cầu” – Susan Boyle như thế. Chắc chắn không phải là phóng đại khi John McShane ví von sự xuất hiện của Susan trên sân khấu “Britain’s Got Talent” hệt như một vụ nổ. Bởi lẽ, mấy ai có thể thoát khỏi sức mê hoặc của “ I dreamed a dream” – khúc ca mà Susan đã ngân vang trong cái đêm đã thay đổi hoàn toàn số phận của bà. Tâm chấn của “ vụ nổ” mang tên Susan Boyle không ngừng lại ở địa hạt nước Anh mà lan tỏa ra toàn thế giới, người ta gõ tên người đàn bà 48 tuổi này vào ô “ tìm kiếm” trên mạng,“ thiên thần xấu xí” xuất hiện liên tục trên trang đầu của những tờ báo uy tín, những thước phim giới thiệu hiện tượng âm nhạc nước Anh được các đài truyền hình trình chiếu, giọng ca ngọt ngào của Susan phủ sóng các tần số radio …
Và John McShane đã cất công sưu tầm và tổng hợp những thông tin dồi dào ấy để viết nên cuốn sách “ Susan Boyle – thiên thần xấu xí”. Tổng hợp không đồng nghĩa với việc cuốn sách chỉ là những trang viết rời rạc và khô cứng, mà hơn thế nữa nó tự họa bức chân dung của một con người với số phận kì lạ được viết nên từ sự trân trọng và ngưỡng mộ của chính tác giả McShane. Đọc cuốn sách, đôi lúc cảm thấy sự khôi hài trong vận mệnh của tài năng này, khi khác thấy ngưỡng vọng cho khát vọng và ước mơ không bị thời gian và tuổi tác bào mòn của người phụ nữ đó và hơn hết là trân trọng nghị lực vượt lên sự tự ti và mặc cảm vốn ngự trị từ lâu để kiêu hãnh bước ra sân khấu lớn của cuộc đời. Vẫn là vóc dáng thấp đậm, quá cân và mái tóc màu nâu đục ấy nhưng Susan Boyle của ngày hôm qua và ngày hôm nay hoàn toàn khác biệt. Và điều tạo nên sự khác biệt chính là lòng tự tin…
Susan Boyle này hôm qua – “ Tôi có cảm giác mình bị gạt ra ngoài lề”
Ngay khi Susan Boyle ngân lên những nốt nhạc đầu tiên trong buổi tuyển chọn tài năng “Britain’s got talent”, ngay lập tức hàng ngàn người có mặt tại khán phòng tự hỏi : “Người đàn bà này đã ở đâu trong suốt 48 năm của cuộc đời bà ấy?”. Điều gì khiến cho giọng ca tuyệt vời ấy ẩn mình đến 48 năm sau mới lộ diện?
Thời điểm mà Mc Shane chọn để bắt đầu cuốn sách là khoảnh khắc Susan khiến cả thế giới kinh ngạc trên sân khấu chương trình “Britain’s got talent”. Vì vậy, cuộc sống trước khi đến được với ánh hào quang của Susan chiếm dung lượng không nhiều trong mười ba chương sách, chỉ đơn giản là những lời kể và tâm sự về tuổi thơ của nhân vật chính được ghi chép lại. Nhưng bấy nhiêu là quá đủ để người đọc có thể cảm nhận những ám ảnh mà Susan từng trải qua, đồng thời lí giải được lí do cho sự thành công muộn màng của tài năng âm nhạc này.
Tuổi thơ của bà có những vết thương đã thành sẹo của cô bé luôn bị bè bạn bắt nạt : “ Bọn họ thường đánh tôi khiến tôi phải khóc”. Tuổi trẻ là những cơ cực của mưu sinh “ tôi còn cả đống hóa đơn phải thanh toán và ngôi nhà phải chăm nom” . Tuổi xế chiều là “một bóng đen phủ lên cuộc đời” khi mất đi người mẹ yêu quý và nỗi cô đơn của một người đàn bà “chưa từng được hôn”. Những vết thương, sự mặc cảm và nỗi cô đơn ấy khiến bà “ chẳng thể tin tưởng bất kì ai” và tồi tệ hơn là đánh mất lòng tin vào bản thân mình . Ngay cả ở lĩnh vực của mình, Susan cũng để nỗi sợ hãi ngự trị, sự tự ti cản trở “Tôi run đến độ không hát nữa. Tôi rồi cũng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng chẳng tài nào được lên truyền hình.” Có lẽ nhiều người đọc sẽ đồng cảm với Susan Boyle. Đứng trước một đám đông khổng lồ, giọng nói bỗng dưng tắc nghẹn, cơ thể cứng đờ, chỉ có thể đứng ở đó cho nỗi sợ hãi và sự xấu hổ chế ngự là cảm giác không mấy dễ chịu mà ai đó phải trải qua.
Chịu đựng quá nhiều cảm giác không mấy dễ chịu ấy, luôn là nạn nhân của những sự nhạo báng, ghét bỏ, đã có những lúc Susan muốn thay đổi cuộc sống bằng cách “trở thành một ai đó khác, không phải sống trong một cái thế giới trần trụi mà, vì hoàn cảnh, ta đã trở thành tù nhân”. Sự thật cuộc đời Susan đã thay đổi nhưng không phải bằng việc trở thành một ai khác, mà đơn giản hơn, đổi khác bằng tự tin là chính mình.
Susan Boyle của ngày hôm nay – Tự tin mơ một giấc mơ.
Những bước chân khi tiến ra sân khấu của Susan đã bỏ lại nơi cánh gà sự tự ti và nhút nhát của bà. Mc Shane trong cuốn sách của mình đã đưa ra rất nhiều những mô tả lấy từ báo chí khoảnh khắc mà Susan tự viết một trang mới của cuộc đời mình đồng thời làm thay đổi tư duy về hình mẫu một người nghệ sỹ của khán giả. Đó có thể là bài tường thuật trên tờ The Times đầy hào hứng: “ Sân khấu đã được định sẵn để bà Boyle, thất nghiệp đến từ Tây Lothian, tiếp nối con đường chính của Pott – quán quân năm 2007”. Cũng có thể là những nhận xét của tờ Mirro: “ Người phụ nữ Scotland thất nghiệp Susan Boyle đã khiến ban giám khảo chương trình Britain’s got talent sững sờ bằng các chứng tỏ mình là một giọng ca xúc động đáng kinh ngạc”. Hay thậm chí tờ The Sun còn có hẳn bài xã luận về bà: “ Tối nay, Susan Boyle sẽ khiến đất nước xúc động khi bà cất tiếng hát. Giọng ca kì diệu của bà đã buộc khán giả phải đứng bật dậy hoan hô. Đó là câu chuyện làm ấm lòng cả những trái tim chai cứng nhất”. Báo chí đã nói hộ cho thành công rực rỡ của “hiện tượng toàn cầu” này.
Nhưng điều cốt lõi làm nên thành công ấy mới là chủ đề gây xôn xao dư luận một thời gian dài sau đó. Người ta phân tính nhiều nguyên nhân cho sự thành công bất ngờ này nhưng không ai gạt bỏ vai trò của niềm tin vào chính bản thân mình trong quá trình tạo dựng một tên tuổi mới của làng nhạc thế giới . Nếu không có sự tự tin, Susan liệu có thể vượt qua áp lực của hàng ngàn người trong khán phòng để kiêu hãnh trình bày “ I dreamed dream”. Nếu không có lòng tự tin, có lẽ nào Susan sẽ bỏ mặc được những lời nhạc báng đã đeo bám suốt những năm tháng tuổi thơ của bà. Bà nói : “Tôi có niềm tin, điều cốt tủy con người tôi, thực thế”.
Có người sẽ cho rằng : “48 năm mới lấy lại sự tự tin của bản thân là quá muộn”. Nhưng muộn còn hơn không, muộn còn hơn vĩnh viễn ẩn dấu tài năng thiên bẩm của mình ở một dàn nhạc hay một quán karaoke nào đó. Hơn hết, điều đáng trân trọng nhất chính là Susan Boyle vẫn tin tưởng bản thân mình, vẫn tự tạo nên số phận cho bản thân mình ở độ tuổi mà con người ta bắt đầu phó mặc số phận của mình cho tạo hóa.
Susan Boyle – Tôi hạnh phúc với diện mạo của mình.
Không phải ngẩu nhiên mà Tác giả McShane đặt tên cho cuốn sách của mình là “Thiên thần xấu xí”và dành riêng một chương sách để nói về ngoại hình của Susan với tựa đề khôi hài “Tân trang nhan sắc”.Bởi lẽ ngoại hình của Susan là vấn đề mà dư luận chú tâm trước và cả sau khi bà nổi tiếng, nó đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi khắp toàn cầu về bản chất của sắc đẹp và sự nổi tiếng. Susan không phải là một người xinh đẹp, dường như có một khoảng cách quá lớn giữa vẻ ngoài xấu xí và giọng hát tuyệt vời của bạn. “ với vóc dáng thấp, đậm, quá cân, khuôn mặt vuông, mái tóc nâu đục bù xù, lốm đốm xám bạc như bị rắc quá nhiều muối tiêu” báo chí đã mô tả Susan ngoại hình Susan như thế. Và có lẽ chính ngoại hình là bức tường ngăn cản bà đến với thành công sớm hơn. Trong ngành công nghiệp giải trí của nước Anh cũng như toàn cầu, sự hào nhoáng của vẻ bề ngoài luôn là tiêu chí hàng đầu cho thành công và danh lợi, nói một cách khác thế giới khắc nghiệt ấy sẵn sàng đào thải những ai không hấp dẫn về ngoại hình. Nhưng dường như Susan Boyle đã xô đổ tất cả những quy luật ấy. Khán giả vẫn chấp nhận một Susan Boyle không xinh đẹp để thưởng thức tài năng thiên bẩm của bà. Thậm chí nhiều người hâm mộ yêu cầu Susan không “tân trang nhan sắc” sau thành công của Britain’s Got Talent bởi họ vẫn muốn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của bà trên sân khấu. Nhiều người trong chúng ta luôn bị ám ảnh về một ngoại hình không hoàn hảo, để rồi e sợ những ánh nhìn cùng những lời bình phẩm của người khác. Tại sao không thử một lần sống theo cách của “ thiên thần xấu xí” Susan Boyle:” Xã hội hiện đại quá vội đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ. Bạn chẳng làm được gì nhiều để thay đổi điều đó;đó là cách nghĩ của người ta, cách sống của người ta. Nhưng có lẽ điều này sẽ dạy cho họ một bài học, hay trở thành ví dụ không phải vậy. Tôi thích con người hiện tại của mình, sao phải thay đổi? Ngoại hình không phải là tất cả tôi hạnh phúc với diện mạo của mình?”
Cuốn sách này mang tính chất tập hợp những bài báo về ca sĩ tài năng Susan Boyle, vì lẽ đó cuốn sách không mang đậm ý kiến của tác giả mà là cái nhìn khách quan của dư luận và truyền thông. Cuốn sách sẽ gợi mở cho người đọc những góc nhìn khác nhau về chân dung của người phụ nữ tài năng này. Lẽ dĩ nhiên, số phận kì lạ của Susan Boyle không dừng lại là bức thông điệp về niềm tin của bản thân mà còn rất nhiều điều thú vị khác nữa. Hãy đọc và cảm nhận những điều thú vị ấy….
Thanh Thảo