Thói quen thứ hai: Tôi luôn đúng
“Khi còn là học sinh cấp II, tôi đã có một cuộc tranh luận nẩy lửa với cậu bạn cùng lớp. Nguyên nhân thì tôi chẳng còn nhớ, nhưng bài học có được từ ngày hôm đó, tôi sẽ chẳng bao giờ quên.
Trong cuộc khẩu chiến ấy, tôi cố chứng minh rằng tôi đúng còn cậu ta thì sai. Cậu ta, ngược lại, cố thuyết phục rằng tôi sai, còn cậu ta mới là người đúng. Và cô giáo đã quyết định chỉ cho chúng tôi thấy, ai sai ai đúng. Cô đưa chúng tôi lên văn phòng, bảo hai đứa đứng ở hai đầu bàn.
Trên bàn, cô đặt một quả bóng lớn, màu đen. Cô hỏi cậu bạn tôi: “Quả bóng màu gì?”. Cậu ta dõng dạc trả lời: “Màu trắng”.
Tôi không thể tin vào tai mình. Thật là ngốc nghếch! Cậu ta nói quả bóng màu trắng trong khi nó rõ ràng màu đen. Và chúng tôi lại gân cổ lên để bảo vệ ý kiến của mình, giờ là về màu sắc của quả bóng.
Yêu cầu chúng tôi trật tự, cô giáo bảo hai đứa đổi chỗ cho nhau. Tôi đứng chỗ của cậu ta, còn cậu ta chuyển sang đứng chỗ tôi. Sau đó, cô giáo hỏi lại chúng tôi về màu sắc của quả bóng. Tôi ngập ngừng trả lời: “Trắng”.
Đó là một quả bóng phân hai nửa màu khác nhau. Nhìn từ vị trí của cậu ta thì nó trắng, trong khi từ vị trí của tôi, nó có màu đen”
Xem thêm bài viết kỹ năng sống: nghệ thuật vượt qua lời từ chối
Cô giáo đã dạy cho tôi một điều quan trọng trong không chỉ ngày hôm đó mà trong suốt cuộc đời: Bạn nên đứng ở vị trí của người đối diện để hiểu nguyên nhân hành động và cảm giác của họ.”
Ai cũng muốn đóng vai trò quan trọng, muốn được tôn trọng, muốn khẳng định bản thân. Đó là nhu cầu tâm lý hoàn toàn phù hợp và cần thiết của mỗi người, vì nếu không có những khao khát này thì làm sao chúng ta có động lực phấn đấu? Tuy nhiên, chúng ta thử để ý rằng một phần trong mình muốn thể hiện và bảo vệ quan điểm; nhưng lại có phần khác muốn người ta hiểu cho mình, muốn tôn trọng suy nghĩ của họ, và mong đợi một tiếng nói chung.
Cái tôi nào chiếm ưu thế phụ thuộc vào bạn có chấp nhận là mình đang ở bên nào của cái cân tâm lý. Mỗi cậu bé trong câu chuyện trên dường như bị cái tôi “mình mới đúng” chiếm vị thế chủ đạo mà quên khơi dậy một phần “lắng nghe, tìm hiểu người khác” trong mình. Cái tôi cao đẹp đang chờ được đánh thức giống như lời nhắc nhở của cô giáo đối với hai cậu bé trong câu chuyện.
Nếu như vô tình bạn phát hiện mình đang có xu hướng “vạch lá tìm sâu”, “dương oai diễu võ”, bạn đừng lẩn tránh nó! Hãy tin rằng ai cũng tồn tại cái tôi đấy! Thế nhưng, một phần khác trong bạn đang tồn tại “một con người lớn”!
Hãy chấp nhận, quan sát và tìm hiểu điều gì đang ngăn cản “con người lớn” trong bạn phát triển. Việc lẩn tránh chỉ giúp chúng hoành hành, làm mưa làm gió và khiến chúng ta không thể đánh thức tâm hồn cao thượng của mình! Hãy học làm bạn với “cái tôi tốt đẹp”, bạn sẽ dần khám phá những nét vô cùng đáng yêu của bản thân mình. Bạn biết không? Chính lúc ấy, bạn lại nhận được sự tôn trọng của người khác thay vì ôm khư khư quan điểm hoàn toàn đúng của mình.
Bạn sẽ lựa chọn điều gì? Tôi ĐÚNG hay tôi luôn được tôn trọng?
Xem thêm bài viết kỹ năng sống: Từ bỏ ý định phê phán người khác