Đôi khi, có những điều rất nhỏ nhặt nhưng gây bức xúc to lớn trong lòng mọi người. Điều tôi muốn nói đến đây là văn hóa xếp hàng…
Bảo Trâm
Vấn đề này tưởng chừng rất nhỏ nhưng đã tiêu tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Tuy nhiên, nét văn hóa này vẫn chưa thể trở thành thói quen hay tạo được ý thức nơi người dân.
Thật buồn khi phải thừa nhận rằng: ý thức người dân Việt đa phần còn rất kém và có lẽ 50 năm nữa… đâu đó có một người dân bức xúc cũng đang ngồi “lọc cọc” để viết tiếp về vấn đề này.
Dường như nơi nào đông đúc, nơi đó thể hiện rõ sự văn minh hay lối mòn ý thức kém cỏi. Khi viết những lời này, tôi không hàm ý chỉ trích mà chỉ thấy buồn khi chứng kiến thực tế hết sức phũ phàng đang xảy ra trước mắt tôi.
Festival biển – nơi người dân Việt Nam tự hào giới thiệu vẻ đẹp thiên niên đất nước và nét đẹp văn hóa đến du khách từ khắp nơi trên thế giới… Vậy mà giữa một “biển” người đến tham dự, tôi chỉ thấy những con người cố gắng bon chen lên phía trước để được hưởng lợi.
Những con người với khuôn mặt hớn hở chen ngang lên phía trước giữa dòng người dài dằng dặc đang chờ đợi dưới cái nắng, bất chấp cái nhìn bực dọc của người đang ở phía trước phải tụt xuống hàng phía sau.
Đó là những con người không ngần ngại dạy con cái mình rằng: “Con nhớ nhé, luồn qua tay những người này để lên hàng đầu, càng luồn lách lên phía trên càng tốt” mà không biết được nó đã “nhấn chìm” văn hóa cư xử của cả một thế hệ trẻ trong tương lai.
Bạn cứ tưởng tượng mà xem, bạn đang ở vị trí thứ 15 trong hàng người dài và sung sướng vì sắp sửa tới lượt mình. Thế nhưng… hàng người trở nên chật chội hơn với một nhóm người chen ngang vào ngay trước mắt bạn với câu nói suông: “Người nhà, đi chung mà” và đẩy bạn xuống vị trí thứ 27.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Một cảm giác bất bình khó tả… Thật sự tôi không muốn so sánh chút nào nhưng rõ ràng đã có một hình ảnh hết sức khập khiễng khi tôi có dịp đến Singapore. Văn hóa xếp hàng được thể hiện rất rõ, ngay cả khi chờ đợi trong toilet tại các trung tâm thương mại trong giờ cao điểm tan tầm về làm.
Điều đó thực sự khiến tôi bất ngờ bởi vì đất nước họ không thể có bề dày lịch sử và văn hóa như nước ta nhưng họ đã tạo nên một ý thức hệ cao và văn minh khi cùng nhau xây dựng đất nước của họ.
Càng không thể hiểu nổi vì sao chúng ta có một khán đài hết sức sạch sẽ và hoành tráng với những hàng ghế thuận tiện cho khán giả xem biểu diễn nhạc nước nhưng người dân đến xem thể hiện thái độ thế nào? Mọi người đến sớm sẽ được an tọa tại 6, 7 hàng ghế đầu.
Với những người đến sau, họ ngồi tràn lên những khoảng trống của bờ rào ngăn khán đài và hàng ghế đầu. Những người đến tiếp theo… thì ngồi lấp đầy trên bờ tường rào. Những người tiếp theo nữa… ngồi lấp đầy cầu thang giữa những lối lên xuống giữa các hàng ghế. Và một số người thì ngồi tràn xuống dưới sân, gần sân khấu biểu diễn… Thật hết sức kinh ngạc khi quan sát tổng thể khán đài.
Thực chất khán đài được xây dựng từ thấp tới cao và người ngồi trước không thể che khuất hình ảnh từ phía sân khấu đối với người phía sau. Thế nhưng, mọi người luôn muốn có cái nhìn cận cảnh, có cái “view” đẹp nhất, gần nhất sân khấu đến mức tạo nên một biểu hiện văn hóa không giống ai hay có thể nói là kém văn hóa.
Chưa hết nhé! Chương trình diễn ra được 1/3 chặng đường, vài người nhòm ngó xung quanh và nhận thấy rằng với số lượng khán giả đang có mặt tại đây mà ào ra cùng một lúc cuối chương trình sẽ dẫn đến tắc nghẽn và phải chờ đợi. Thế là từng dòng người lũ lượt kéo nhau ra về.
Để lấp đầy những vị trí gọi là đắc địa, có “view” đẹp… dòng người từ phía trên lại ào ào kéo xuống để thế chỗ… Cứ vậy cho đến cuối chương trình. Mắt tôi liên tục bị che khuất bởi chân người này nối chân người kia và âm thanh ồn ào, cảnh tượng mất trật tự, hỗn loạn khi đang cố gắng thưởng thức và cảm nhận bản hòa tấu bất hủ của Paul Mauriat hay giai điệu sôi nổi trong tiếng trống Samba…
Đến lúc này, tôi thực sự thất vọng và có lẽ phải đề xuất với Bộ giáo dục và Đào tạo rằng: “Có nên đưa vào nhà trường chương trình ‘Ý thức cư xử nơi công cộng’ hay ‘Văn hóa xếp hàng?”.
Theo Ngoisao