Việt Nam mới đây trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân ưu tiên các khoản chi cho ăn uống và giải trí cao nhất trong khu vực. Đặt trong bối cảnh hiện nay, vị trí số 1 nói lên điều gì?
MasterCard vừa đưa ra kết quả khảo sát cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân ưu tiên các khoản chi tiêu cho ăn uống và giải trí cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 86% người Việt Nam tham gia cuộc phỏng vấn cho biết, họ thường dành phần lớn thu nhập cho ăn uống và giải trí, trong khi con số này ở Hàn Quốc là 78% và Hong Kong là 75%. Danh mục được ưu tiên tiếp theo là thời trang rồi đến mua sắm hàng điện tử gia dụng. Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ người tiêu dùng có kế hoạch duy trì các khoản chi tiêu tùy nghi cao nhất khu vực với 62%, tiếp sau là Úc và Hàn Quốc cùng bằng 59%.
Kết quả này khá bất ngờ, bởi xét trên thu nhập của mỗi người dân và của chung nền kinh tế, thì Việt Nam không thể so sánh được với Hàn Quốc, Hong Kong hay Úc, nhưng người dân lại chi tiêu mạnh tay hơn và ít có kế hoạch hơn. Một mối hoài nghi nảy ra, hay chính vì thu nhập thấp nên người Việt phải dành phần lớn chi tiêu cho ăn uống? Nhưng đâu chỉ có ăn uống, người Việt còn mua sắm hàng điện tử thế hệ mới, mua thời trang và chi tiêu cho giải trí, những thứ vốn không dành cho người nghèo!? Trong khi chúng ta ăn chơi, thì người Malaysia, Đài Loan, Philippines ưu tiên nhất cho giáo dục trẻ em – danh mục chi tiêu bền vững nhất. Philippines là nước còn nghèo hơn Việt Nam, nhưng họ đã “nhịn ăn nhịn mặc” để đầu tư cho giáo dục.
Một số liệu khác tưởng chừng khô khan nhưng lại không tách rời đời sống cộng đồng, đó là dịp tết Tân Mão vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra lưu thông gần 132.000 tỷ đồng, chủ yếu để hỗ trợ vốn thanh toán cho các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tiết kiệm thu hút vào hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm: tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1 đã giảm 2,46% so với tháng trước. Điều đó có nghĩa là lượng tiền mặt ra thị trường trong dịp Tết nhiều hơn. Tiền nhiều, chi tiêu mạnh tay, đương nhiên giá cả sẽ tăng nóng. Đến nỗi vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn phát biểu đầy hình ảnh tại một cuộc họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội mở rộng: “Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại ăn một cái Tết lớn như vậy”. Có một tâm lý trong cộng đồng, cả năm đã hoành tráng rồi, thì Tết nhất định phải hoành tráng hơn. Mạnh tay chi tiêu cho mọi nhu cầu còn tích tụ bấy lâu, chi tiêu sao cho bằng bạn bằng bè, bằng anh bằng em. Giá cả tăng mạnh, kêu khổ là một việc, chi tiêu vẫn phải “gắng chịu”. Dịp Tết, lãi suất cho vay thương mại đụng 20%/năm, nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi mua ôtô, xe máy, đồ nội thất đắt tiền bằng tiền… nhà băng. Nhà nhà chi tiêu, người người chi tiêu, kết quả là tăng trưởng tín dụng rất cao vào những tháng giáp Tết.
Tết qua rồi, nhưng lại vào tháng Giêng ăn chơi… Lễ lạt, đình đám, họp mặt, ăn nhậu khắp nơi, có cả câu ca khiến việc ăn chơi nâng lên tầm triết lý: Ở đời nhất ăn nhì chơi; Sống ba mươi tuổi bằng người một trăm… Người nước ngoài thì lo thay chúng ta. Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế khuyến nghị giảm nhanh tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Nói đơn giản là cần thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, hay nói như người Việt là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiền đó để đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu, giáo dục… các mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn, để thoát khỏi vòng xoáy lạm phát và gia tăng thu nhập thực tế của người dân. Chúng ta đã kêu gọi tiết kiệm, nhưng dường như điều đó mới dùng lại ở mức độ… phong trào!
Nguồn: Nguoilanhdao