“Đi có xa không? Làm sao mà con đi một mình được, tay chân yếu rồi lại ngã ra đường thì ai lo. Để mẹ đèo đi”, cứ mỗi lần Vân Anh (22 tuổi, ở phố Trần Quý Cáp, Hà Nội) có việc đi đâu là y như rằng bà mẹ lại lặp lại điệp khúc ấy.
Tốt nghiệp đại học từ tháng 6 năm ngoái, nhưng đến giờ Vân Anh vẫn không thuyết phục được bố mẹ mua xe máy cho để đi làm, chỉ vì ông bà sợ con tay yếu không lái xe được.
“Chỗ làm của anh trai đi qua công ty mình nên ngày nào cũng phải đi nhờ xe anh. Từ hồi học cấp 3 đến hết 4 năm đại học, không bố mẹ thì anh đèo mình đến trường, đến khi đi phỏng vấn xin việc cũng đòi đưa đi. Lúc nào cũng sợ con đi lạc”, Vân Anh kể. Thậm chí khi cô đề xuất sẽ tự đi làm bằng xe bus thì cũng bị cha mẹ gạt phắt, với lý do đi xe bus dễ bị móc túi, không có ghế ngồi phải đứng mỏi chân.
“Hồi trước, có công ty mình được nhận làm rồi nhưng bố mẹ còn không cho đi làm vì xa nhà quá. Suốt ngày mẹ ở nhà coi. Mình thấy mệt mỏi lắm, đôi khi ấm ức muốn khóc. Nhưng nói mà bố mẹ không hiểu…”, cô gái trẻ tâm sự.
Cũng trong tình cảnh bị cha mẹ giữ gìn như “ấn tín”, Dương (21 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đến tận giờ cô vẫn hầu như chưa có cơ hội đi chơi xa với bạn bè, vì cha mẹ chăm sóc quá kỹ.
“Mẹ vẫn bảo con gái thì phải nhẹ nhàng, phải nữ tính, phải có nề nếp nên không được làm gì thái quá, tự do. Bảo mình muốn gặp bạn bè có thể mời về nhà ăn uống, chứ không cần phải đi chơi”, cô kể.
Có lần, vì muốn được đi uống cà phê sáng cùng nhóm bạn thân, Dương đã dắt xe máy ra khỏi nhà từ sáng sớm, tối về, cô nhận được lời đay nghiến của mẹ: “Con cứ thử xem, rời cái nhà này ra có sống được không?”.
Với Hà (23 tuổi, biên tập viên một nhà xuất bản, quê ở Hải Dương) sự bao bọc của bố mẹ đã trở thành nỗi ám ảnh. “Bố lo cho bữa ăn của mình cũng là chuyện chính đáng, nhưng cứ luôn gọi điện cho mấy em họ trên này để nhắc mình ăn cơm”.
Thậm chí, cô em họ của Hà đã có gia đình, lại bận rộn với một đứa con nhỏ cũng bị giao trách nhiệm giúp chị. “Chị về nhà chưa, đợi em cho thằng cu ăn bột rồi sang nấu cơm cho chị nha!”.
“Mình ngại lắm chứ, lớn rồi mà chả nhẽ một bữa cơm không nấu được, nói mãi bố không sửa, mình có phải tật nguyền gì đâu”, cô tâm sự.
Tháng trước chỉ vì chuyển nhà trọ mà bố mẹ nhất định bắt xe lên Hà Nội để chuyển đồ cho Hà. Nghe bảo mới có một anh chuyển đến, ở dưới phòng con gái, ông bà lại nằng nặc đòi chuyển nhà, còn nói sẽ cho con thêm tiền chi tiêu, chỗ mới đắt hơn cũng được. “Bố mẹ luôn làm thế, tự quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình, mình không phải là trẻ con mẫu giáo hay búp bê trong tủ kính …”, Hà thở dài mệt mỏi nói.
“Tâm lý của bố mẹ muốn bao bọc con cái là chuyện thông thường, nhưng việc thái quá như những trường hợp trên là không cần thiết”, chuyên gia tư vấn tâm lý Huỳnh Văn Tâm từ tổng đài 19001080 nhận định. “Việc đó sẽ gây ra hai hệ quả, một tốt và một xấu. Tốt là yên tâm rằng con sẽ không gặp nguy hiểm, không bị va cham hay chịu thiệt thòi. Nhưng mặt khác lại tạo ra những cô cậu thiếu kinh nghiệm sống. Và quả thực, nhiều người ‘rời nhà ra thì sẽ không sống nổi'”.
Cũng theo ông Tâm, cha mẹ nên biết lắng nghe con cái hơn, khi họ trưởng thành thì nhu cầu giao tiếp, tự do và những xáo trộn tâm lý sẽ nhiều hơn khi ngồi trên ghế nhà trường. Nếu không sẽ xảy ra xung đột khi những đứa con muốn tự mình phá vỡ cái vỏ bao bọc.
Theo vnexpress.net