Cứ đến mùa hè thì cả nước lại được dịp “nóng” lên cùng kì thi đại học đầy cam go. Từ quá trình chuẩn bị đi thi, trong giai đoạn thi cho đến sau khi biết kết quả đều căng thẳng và tốn nhiều sức lực lẫn tiền của của thí sinh, gia đình và toàn xã hội.
Vì vậy, đã có rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng cần phải thay đổi kì thi này sao cho nó đừng có quá tốn kém và để lại nhiều hệ lụy đáng buồn cho xã hội như hiện nay (thí sinh thi rớt bi quan về tương lai, thậm chí là tự tử).
Sự kiện “cổng trường sụp đổ” lại càng cho thấy sự khủng hoảng và bế tắc của ngành giáo dục ở nhiều cấp học. Tuy nhiên, đòi hỏi sự thay đổi của nền giáo dục của cả một đất nước trong một sớm một chiều là điều không thể, nhất là giai đoạn hiện nay khi những ngành khác cũng đang gặp khủng hoảng tương tự.
Vì thế, trong thời gian chờ đợi ngành giáo dục giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền của họ, mỗi người, mỗi gia đình hãy tự nhìn lại vấn đề của mình. Căng thẳng không đáng có trong thi cử (nhất là thi đại học) không phải chỉ đến từ hệ thống giáo dục mà còn từ sự khủng hoảng lựa chọn tương lai của mỗi người.
Bao nhiêu trong số những thí sinh đại học thực sự hiểu về chuyên ngành mà mình lựa chọn? Rằng mình sẽ học những gì, có được những kiến thức, kĩ năng gì sau khi tốt nghiệp và sau đó sẽ làm công việc như thế nào? Và quan trọng hơn hết, mình yêu thích lĩnh vực này tới mức nào?
Chắc chắn là không nhiều. Sự không rõ ràng trong quyết định nghề nghiệp là nguyên nhân chính cho những lựa chọn sai lầm và hối tiếc khi đã theo học một chuyên ngành nào đó, một trường nào đó.
Tại sao lại có sự không rõ ràng này? Có nhiều nơi để “đổ lỗi” nhưng gần nhất và chủ yếu nhất là từ phía gia đình. Đơn giản là vì cha mẹ chính là người sâu sát nhất trong việc hướng dẫn con mình lựa chọn sự nghiệp.
Nhưng thực tế là giữa bố mẹ và con cái thường có khoảng cách rất xa trong giao tiếp dẫn đến sự không tin tưởng, không thấu hiểu. Một vài người may mắn, có bản lĩnh, đủ tự tin và thực sự hiểu mình muốn gì thì tìm được lối đi riêng. Còn lại thì chọn sự nghiệp để chiều lòng cha mẹ, hoặc là mù mịt chọn đại một ngành gì đó mà người ta bảo là đang “hot”.
Vấn đề cốt lõi để giải quyết khủng hoảng lựa chọn sự nghiệp chính là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Áp dụng cách “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” hoặc “con đặt đâu cho mẹ ngồi đó” đều dẫn tới những hậu quả đáng tiếc và không phù hợp. Điều quan trọng là sự trò chuyện, lắng nghe và chấp nhận lựa chọn của con em mình từ phía các bậc phụ huynh.
Dẫu biết là có rất nhiều khoảng cách thế hệ về mặt tâm lý, văn hóa giữa cha mẹ và con cái, nhưng với sự trân trọng và tin tưởng thì chúng ta có thể xóa nhòa những khoảng cách đó. Như trong bài viết ““Tình bạn” trong gia đình” của tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị (11/5/2012), cha mẹ cần là những người bạn lớn của con cái chứ không phải là những người ra lệnh.
Các bậc phụ huynh trở thành người bạn thân của con mình là điều tuyệt vời nhất mà họ làm được cho con. Bởi vì thực tế đó là điều con cái mong mỏi nhất ở cha mẹ.
Thi đậu hay thi trượt, thành công hay thất bại trong cuộc sống, đều khiến người ta đau buồn và thất vọng. Nhưng nó không hạ gục họ và khiến họ coi rẻ cuộc sống của mình. Sau mỗi thất bại thì chúng ta càng khôn ra, mạnh mẽ hơn và hiểu hơn về cuộc sống, về bản thân và mong muốn của mình.
Nhưng những mối quan hệ xấu, đầy sự áp đặt và ép buộc (nhất là từ trong gia đình) sẽ vùi dập người ta mãi mãi. Các bậc phụ huynh, đừng tự biến mình thành trở ngại và rào cản của con. Hãy là người bạn, người dẫn đường tận tụy. Hãy làm tất cả những gì mình làm được để chúng hiểu về những lựa chọn. Nhưng cuối cùng, hãy để các em tự lựa chọn đường đi của riêng mình.